Awer Mabil và hành trình đến World Cup 2022 từ trại tị nạn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi Awer Mabil bật khỏi băng ghế ngay khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, lao ra sân ăn mừng chiến thắng 1-0 của Australia trước Tunisia, cầu thủ chạy cánh 27 tuổi đang tận dụng từng phút để tận hưởng bầu không khí choáng ngợp của World Cup. Đó là một trải nghiệm mà suốt 10 năm đầu đời sống trong trại tị nạn, anh chưa bao giờ dám mơ tới.

World Cup không chỉ là nơi phô diễn tài năng, mà còn thể hiện lòng yêu nước. Awer Mabil yêu đất nước Australia, nhưng hơn thế nữa, ở anh còn có sự biết ơn. “Australia đã cho gia đình tôi một cơ hội để bắt đầu cuộc đời mới”, cầu thủ 27 tuổi nói, “Tôi mãi khắc ghi ân huệ đó và không thể nói hết tình cảm dành cho đất nước. Cách duy nhất để đền đáp và thi đấu thật tốt và giành chiến thắng”.

Australia không thể gây bất ngờ khi gặp Pháp ở trận ra quân. Hôm ấy Mabil vào sân phút 73. Dù biết cục diện khó chuyển xoay, anh vẫn chạy như thể không có ngày mai, hiện diện ở cả hai cánh để tìm kiếm những cơ hội. Như anh nói, “không phải ngày nào bạn cũng được chơi ở World Cup, trong màu áo Australia”.

Awer Mabil và hành trình đến World Cup 2022 từ trại tị nạn ảnh 1

Awer Mabil ăn mừng chiến thắng trước Tunisia. Ảnh: AFP

27 năm trước, Mabil sinh ra trong một trại tị nạn ở Kakuma, phía bắc Kenya, với cha mẹ là người Nam Sudan. 10 năm tiếp theo, anh ở trong căn lều nhỏ tồi tàn cùng đại gia đình 5 người, duy trì cuộc sống bằng một bữa ăn mỗi ngày được cấp phát bởi Liên Hiệp Quốc. Để quên đi cái đói và thực tại u ám, Mabil chơi bóng đá cùng chúng bạn ở sân đất trước lều. Quả bóng được làm từ giấy báo hoặc quần áo cũ, song anh nói rằng đó là những trận đấu đẹp nhất, khi tất cả chỉ chơi với niềm đam mê và không toan tính.

Awer Mabil ra mắt ĐT Australia từ năm 2018. Cho đến nay, anh ra sân 29 trận (và ghi 8 bàn), bao gồm trận gặp Việt Nam tại Mỹ Đình hồi tháng 9/2021. Tại World Cup 2022, Mabil là một trong ba cầu thủ da màu hiếm hoi của Australia. Trong trận đấu tối qua, Australia đánh bại Tunisia 1-0, rộng cửa qua vòng bảng.

“Bóng đá mang lại hạnh phúc cho tôi. Nó cũng là cách để tôi cứu rỗi cuộc đời mình. Khi ra sân, tôi không còn nghĩ về những điều mà chúng tôi đang phải đối mặt, về hoàn cảnh khó khăn hay đơn giản là tối nay ăn gì. Tôi chỉ cố tận hưởng bản thân mình cùng trái bóng”, anh chia sẻ. Khoảng thời gian đầu rất khó khăn. Mabil đã không gia nhập một CLB bóng đá nào cho đến khi 13 tuổi. Với một cậu bé mà thế giới chỉ gói gọn trong căn lều mục nát ở Kakuma, mọi thứ đều quá mới mẻ.

Thật ra với bố mẹ anh cũng vậy. Và họ phải vật lộn với việc mưu sinh cùng sự kì thị của những kẻ phân biệt chủng tộc có sẵn ác cảm với dân nhập cư. Có lần khi anh vừa về đến nhà, hàng xóm đã lao vào tấn công và mắng nhiếc, đuổi anh…

Mabil đã nhiều lần về Kakuma, nhưng là khi đã thành danh, trở thành tài năng hứa hẹn ở Adelaide United, sau đó tới châu Âu, khoác áo Midtjylland (Đan Mạch) và hiện tại là Cadiz (Tây Ban Nha). Anh trở lại với thiết bị y tế, giày, quần áo bóng đá và nhiều đồ dùng thiết yếu khác để giúp đỡ những đứa trẻ vẫn đang mắc kẹt trong trại tị nạn.

Trong khi chúng vẫn ở đó, Mabil được chơi bóng ở World Cup. “Tôi đã rất may mắn. Vậy nên tôi luôn nhắc nhở bản thân về lý do tại sao chơi bóng. Tôi chơi vì niềm vui của chính mình và mang lại niềm vui cho những người khác. Tôi chơi vì niềm vui của bản thân, đồng thời cũng để mang lại niềm vui cho người khác”, anh nói.

MỚI - NÓNG