Âu lo theo con đi nhà trẻ

Âu lo theo con đi nhà trẻ
TP - Có những trường mầm non quốc tế học phí cả chục triệu đồng/tháng. Nhưng cũng có những nơi phụ huynh chỉ đóng 30.000 đồng/ngày, trong đó gồm cả tiền ăn ngày 3 bữa cho trẻ.

> Người cha tìm công lý cho con trai chết oan tại nhà trẻ
> Vụ bé 1 tuổi tử vong: Nhà trường xin tự giải thể

Giờ học của các cháu ở trường Đông Phương
Giờ học của các cháu ở trường Đông Phương.

Hàng ngàn trường mầm non, nhà trẻ, lớp, nhóm trẻ tư thục ồ ạt mọc lên ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Việc cho con đi nhà trẻ trở thành nhu cầu bức thiết đối với hàng trăm ngàn công nhân. Thế nhưng phần lớn phụ huynh đều chung tâm trạng thấp thỏm khi gửi gắm con em cho nhà trẻ.

Chuyện ở nhóm trẻ bình dân

Quanh khu vực đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hoà, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), có gần 20 trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục. Ngay trong con hẻm nhỏ ở khu phố 6 đã có hai địa chỉ trông giữ trẻ liền kề nhau. Trường mầm non Vinh Sơn có khuôn viên rộng rãi với sân chơi thoáng mát, nhiều lớp học khang trang thì nhóm trẻ tư thục Anh Thư đối diện chỉ có một ghế bập bênh, một cầu trượt nằm trước sân nhà, vốn là nơi để xe gắn máy. Gần 20 cháu nhỏ độ tuổi từ 18 tháng - 6 tuổi đứng ngồi la liệt trong căn phòng hơn 15m2.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thợ may trên đường Lê Hồng Phong cho biết: “Gửi con ở nhóm trẻ gia đình tiết kiệm được một khoản lớn. Một tháng chỉ đóng 900.000 đồng, trung bình một ngày 30.000 đồng, các cháu được bao ăn ngày ba bữa”. Thế nhưng, khi được hỏi liệu với 30.000 đồng/ngày có đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của cháu, chị Thủy chỉ biết lắc đầu: “Thấy con cứ còi cọc thương lắm. Nhưng lương công nhân may của tôi chỉ tròm trèm 4 triệu đồng. Trong khi cho con học trường mầm non, nhà trẻ tư thục cũng phải 2,5-3 triệu đồng/tháng”.

Không gian thoáng rộng cho trẻ vui chơi
Không gian thoáng rộng cho trẻ vui chơi.

Gần 20 cháu trong nhóm trẻ gia đình này được ngăn với bên ngoài bởi một hàng rào chắn. Các cháu nhỏ chưa biết đi nằm trong võng. Các cháu lớn đứa nằm, đứa ngồi la liệt. Những cháu mới vào học chưa quen bạn, quen cô, khóc ầm ĩ. Những cháu đã đi học từ lâu thì trầm hẳn, chỉ ngồi thu lu một góc hoặc đứng vịn vào hàng rào, mắt ngóng ra cửa.

Ngoài tiền học phí đóng hàng tháng, mỗi ngày chị Thủy phải mang sữa lên cho con. “Thấy con nằm trên nền gạch tội quá, tôi phải đi mua tấm nệm 300.000 đồng mang lên cho con nằm”, chị Thủy cho hay. Từ nhóm trẻ gia đình nhìn sang trường mầm non bên cạnh, các cháu học trường mầm non đang tập hát, tập thể dục, với không gian rộng thoáng. “Lại ị đùn nữa rồi”, tiếng cô Cúc, giáo viên lớp mầm non gia đình gắt. Cô Cúc bực dọc đẩy lũ trẻ đang xúm xít lại một chỗ, miệng không ngớt cằn nhằn. Những đứa trẻ lớn hơn vẫn mặc nhiên đứng dựa hàng rào, bình thản bú sữa, mắt vẫn hướng ra ngoài cổng…

Trường xịn cũng thấp thỏm

Ở các nhóm trẻ gia đình quanh khu vực huyện Thuận An, Dĩ An, học phí mỗi tháng cũng chỉ dao động từ 700 nghìn đồng đến một triệu đồng. Nếu phụ huynh bận công việc không đến đón trẻ đúng giờ, cô trông trẻ sẽ tính phụ thu một tiếng từ 3-6 ngàn đồng. “Theo quy định 17 giờ 30 là giờ trả trẻ. Nhưng có hôm tăng ca, tôi đành để cháu ở nhà trẻ đến gần 22 giờ, gửi thêm cho cô giáo hơn 20 ngàn đồng. Tăng ca một buổi cũng được mấy trăm ngàn, có thêm tiền mua sữa cho cháu”, chị Thủy kể.

Bà Nguyễn Thị Thanh, tổ trưởng tổ Mầm non - Phòng GD&ĐT quận 12 cho hay: “Toàn quận hiện nay có tổng cộng 134 trường mầm non trong và ngoài công lập, nhóm lớp, nhưng chỉ có 2 người phụ trách, không quản xuể. Phòng GD&ĐT đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận 12 yêu cầu dừng cấp phép
mở trường”.

Nếu như những phụ huynh là công nhân phải thấp thỏm gửi con ở nhóm trẻ gia đình, thì nhiều phụ huynh có điều kiện cũng không khỏi lo lắng, mặc dù con em học những trường chất lượng hơn hẳn. Anh Trần Lâm Ngọc, ở khu Nam Long, đường Trần Trọng Cung, quận 7 (TPHCM) gửi con trai 4 tuổi theo học một lớp mầm non tư thục trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 với học phí 4 triệu đồng/tháng. “Nhà trẻ có trang bị camera, phụ huynh có thể quan sát con em mình trên internet”, anh Ngọc cho hay. Mặc dù cháu theo học trường xịn nhưng anh Ngọc vẫn không khỏi lo lắng. “Trẻ con hiếu động, cô giáo lơ là một chút là có chuyện. Tôi hàng ngày vừa làm việc, vừa theo dõi con qua internet”, anh Ngọc nói.

Anh Ngọc kể, anh có đứa cháu 5 tuổi ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vừa rồi bị cô giáo đánh bầm mắt chỉ vì uống sữa chậm. Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Đ.R.M, nơi cháu bé bị đánh cũng thừa nhận sự việc và đã đuổi việc cô giáo. Lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng ra quyết định đóng cửa trường mầm non tư thục Đ.R.M.

Loạn… giữ trẻ

Hiện TPHCM có khoảng 1.200 nhóm trẻ gia đình hoạt động có giấy phép, nhưng thực tế có rất nhiều nhóm trẻ tự phát, hoạt động trông trẻ không đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện. Nhiều nhóm trẻ thu tiền ăn chỉ 20.000 đồng/3 bữa. “Có muốn thu cao hơn cũng không được vì phụ huynh đều là lao động nghèo, nơi nào học phí rẻ hơn thì họ gửi con vào đó. Tiền ăn của con em họ cũng nằm trong tiền học phí mà thôi”, bà Hoa, chủ một nhóm trẻ gia đình trên đường Bình Quới, phường 26, quận Bình Thạnh cho biết.

Và những đứa trẻ vịn hàng rào ngóng mẹ
Và những đứa trẻ vịn hàng rào ngóng mẹ.

Trong lúc nơi nơi tự phát hình thành nhóm trẻ vì nhu cầu gia tăng, thì nhiều tổ chức xã hội cũng đã chung tay với ngành giáo dục nhằm giảm tải sức ép chỗ học mầm non cho trẻ. Hội LHPN xã Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thành lập CLB “Chủ nhóm trẻ gia đình” với sự tham gia của 25 thành viên là chủ các nhóm trẻ và trường mầm non tư thục trên địa bàn. Chủ các nhóm trẻ và trường tư thục khi đã tham gia vào CLB này thực hiện theo quy chế chung, trong đó có quy định về mức thu học phí giúp cho các bậc phụ huynh không phải loay hoay chọn trường hay chọn nơi gửi rẻ như trước. CLB có 22 nhóm trẻ và 1 trường mầm non tư thục với 69 giáo viên (80% giáo viên có trình độ chuyên môn) và trên 2.700 trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. CLB được chia thành 2 tổ, mỗi quý sinh hoạt một lần. Trong các buổi sinh hoạt, CLB tổ chức lồng ghép hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ với một số hoạt động, như: Phát động phong trào thi đua “nhóm trẻ tốt”, tuyên truyền đến phụ huynh về chế độ dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ. Hội LHPN Q. Bình Tân, TPHCM cũng thành lập CLB “Nhóm trẻ gia đình” tại khu phố 4, phường Tân Tạo với số thành viên ban đầu là 33 người. Đối tượng chủ yếu của CLB là những người trực tiếp chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi, ưu tiên gia đình có vợ chồng là công nhân.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 259 trường mẫu giáo trong đó có 41 trường tư thục. Nhóm trẻ tư thục có đến 834 nhóm. Trong đó nhiều trường, nhóm trẻ tư thục quy mô lớn vào hàng chất lượng cao nhưng phù hợp với công nhân, viên chức được các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều, như trường mầm non An Bình, trường mầm non Bam Bi, trường mầm non Phước Thái, trường mầm non Đông Phương… Đầu năm nay có công ty đã đầu tư một trường mầm non với kinh phí 1 triệu USD. Các Cty mở trường mầm non ngày càng chú trọng vào chất lượng nuôi dạy trẻ và giá cả cũng phù hợp với túi tiền của công nhân học phí trong khoảng 600 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thiên Thanh gửi con học tại trường mầm non Bam Bi cho biết: “Cơ sở vật chất của trường tốt, cháu được học nhạc, múa, học bơi, phụ huynh có thể quan sát cháu sinh hoạt tại trường qua internet. Với mức học phí khoảng 1,9 triệu đồng/tháng là phù hợp với đối tượng bố mẹ là cán bộ nhà nước”. Chị Trần Thị Vui công nhân làm việc tại Cty Chansin cho biết: “Hiện các trường mầm non công lập không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi, trong khi đó các bà mẹ đều phải đi làm sau khi sinh 6 tháng. Thế nên, trường tư thục và nhóm trẻ gia đình đã đáp ứng được nhu cầu đó”.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), lao động nhập cư tại đây chiếm 70% lượng công nhân. Tỷ lệ công nhân nữ là 63,6% với khoảng 80 nghìn người có con từ 1 đến 5 tuổi. Phần lớn công nhân ngoại tỉnh, ở nhà trọ, không có hộ khẩu thường trú nên khó xin cho con em vào trường công, buộc phải tìm tới cơ sở giữ trẻ bên ngoài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.