Áp lực với các trường đại học phối hợp coi thi sau vụ gian lận 2018

Bị can Nguyễn Quang Vinh (phải), tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm tỉnh Hòa Bình đã bị bắt từ tháng 8/2018 Ảnh: Nghiêm Huê
Bị can Nguyễn Quang Vinh (phải), tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm tỉnh Hòa Bình đã bị bắt từ tháng 8/2018 Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần. Những địa phương liên quan gian lận thi cử năm 2019 là Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sự quan tâm này xuất phát từ thực tế vụ việc chưa có hồi kết nhưng đồng thời đó cũng đang là áp lực vô hình đè lên tất cả những người tham gia tổ chức kỳ thi sắp tới. Nhất là đối với các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức thi tại những địa phương này.

Đồng loạt “thay” trưởng ban chỉ đạo thi

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 30/5, Sở GD&ĐT Sơn La có tờ trình UBND tỉnh này xem xét, ban hành quyết định thay thế Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019, nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, được đề xuất thay ông Phạm Văn Thủy.

Tại Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi của cụm thi này là ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thay  ông Trần Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo thi năm 2018. Tại tỉnh Hòa Bình, xác nhận với Tiền Phong, ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo thi năm 2018 cho biết, năm nay ông có con dự thi nên không tham gia. Tỉnh bố trí một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo thi. Đại diện một trường ĐH tham gia phối hợp tổ chức thi tại Hòa Bình cho biết, qua những lần họp ban chỉ đạo, trưởng ban chỉ đạo thi của Hòa Bình năm 2019 là ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy nhiên, không chỉ thay trưởng ban chỉ đạo thi mà một loạt nhân lực chủ chốt trong ban chỉ đạo thi ở 3 địa phương này cũng được thay mới. Tỉnh Hòa Bình do Trưởng phòng khảo thí và Quản lý thi cùng chuyên viên đều đã bị khởi tố, bắt tạm giam nên Sở GD&ĐT Hòa Bình điều động một nhân lực từ phòng giáo dục trung học sang làm nhiệm vụ khảo thí, đồng thời giao 1  phó giám đốc sở kiêm phụ trách trực tiếp phòng này. 

Nhân lực phụ trách thi của Sơn La còn khủng hoảng hơn khi toàn bộ ban giám đốc sở GD&ĐT tỉnh này cũ đều trong diện nghi ngờ có liên quan đến tiêu cực thi cử. Trong đó, ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La là một trong 6 đối tượng của ngành giáo dục đã bị khởi tố điều tra. Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La có con được nâng điểm thi, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nằm trong diện  nghi vấn nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh.

Không những thế, tháng 7/2019, ông Tiến về nghỉ hưu theo đúng chế độ nên không nằm trong ban chỉ đạo thi.  Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu  được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. Trong quyết định thành lập ban chỉ đạo thi, ông Chiến là phó trưởng ban chỉ đạo thường trực. Không những thế, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La cũng nằm trong danh sách phụ huynh có con được nâng điểm, chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu vị này không tham gia tập huấn thanh tra thi. Trưởng phòng Khảo thí, chuyên viên phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Sơn La cũng đã đều bị khởi tố và bắt tạm giam, chính vì vậy, sở này cũng phải điều động nhân lực từ phòng chức năng khác sang bổ sung.

Theo cơ cấu, Sở GD&ĐT Hà Giang có ba cấp phó và một giám đốc. Cuối năm 2018, ông Vũ Văn Sử nghỉ hưu. Hai phó giám đốc là bà Triệu Thị Chính và ông Phạm Văn Khuông bị khởi tố đầu tháng 4/2019, vì bị cáo buộc liên quan vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang do đó chỉ còn một phó giám đốc là ông Nguyễn Thế Bình, phụ trách điều hành công việc của sở này.  Nên tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã bổ nhiệm thêm 1 phó giám đốc nữa là ông  Lâm Thế Hùng, phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng nhằm ổn định nhân sự cho cơ quan này. 

Không dễ để coi như chưa có chuyện gì xảy ra

Là một trong 6 trường tham gia phối hợp tổ chức thi tại Sơn La, PGS. Phùng Gia Thế, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, Sơn La thành lập ban chỉ đạo thi có hơi chậm so với các địa phương khác (21/5 mới thành lập - cách kỳ thi đúng 1 tháng). Không những thế, do gian lận thi cử năm 2018, nên lực lượng chủ lực cho kỳ thi THPT là thanh tra, khảo thí, ban giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La đều là những người mới. Như vậy, phần lớn những người  nắm công việc chính để tổ chức thi đều chưa kinh qua những kỳ thi lớn nên không phải là những người “thiện chiến”.

Tuy nhiên, qua 2 lần họp ban chỉ đạo, PGS. Phùng Gia Thế nhận định tâm  lý chung của những thành viên ban chỉ đạo Sơn La đều ổn định, không có xáo trộn. Quan điểm của  Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được PGS Thế thông tin  là làm ở đâu cũng thế, đảm bảo đúng quy chế, nghiêm túc. Mấy năm qua, trường đã phối hợp tổ chức thi theo phân công của Bộ GD&ĐT ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và đều cố gắng không để xảy ra sai sót. 

Năm nay tham gia tổ chức thi ở Sơn La cũng sẽ như thế, thậm chí còn cố gắng thực hiện nghiêm túc nhất có thể. Qua sự kiện về Sơn La, nhà trường cũng quán triệt với những cán bộ giảng viên đi làm thi tại đây theo hướng nhìn vào đó để nghiêm túc hơn nữa. “Dư luận cả nước đều đang nhìn vào đây nên cần  chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, làm rốt ráo đúng quy chế hơn. Còn áp lực về tâm lý thì không quá lớn. Chúng tôi cũng hiểu rằng phức tạp nhưng sắp tới sẽ có đợt tập huấn, trường sẽ tập huấn kỹ tại trường và các điểm trường nên mong muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ, an toàn. Không lo sợ đến mức thái quá” - PGS. Phùng Gia Thế nói. Ông cho biết, số cán bộ đi làm thi của trường là 171 người và 20 người trong ban chấm thi trắc nghiệm. 

Còn TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trường sẽ hỗ trợ tỉnh Hòa Bình trong việc coi thi, chấm thi tự luận và chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Số lượng cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra: gần 300 người, do một phó hiệu trưởng phụ trách. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã thành lập các ban theo yêu cầu và đã tổ chức họp 02 lần với sự tham gia của các trường hỗ trợ và quán triệt tinh thần tổ chức coi thi, chấm thi thật nghiêm túc, an toàn và thuận tiện cho  thí sinh, cán bộ coi thi, giám sát và thanh tra. 

MỚI - NÓNG