Áp lực lạm phát tăng có thể chỉ rơi vào quý 4

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu đã tăng cao trong nhiều tháng qua. Ảnh: Như Ý
Giá xăng dầu đã tăng cao trong nhiều tháng qua. Ảnh: Như Ý
TP - Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất liên tục tăng, cùng chi phí vận tải, phòng chống dịch bệnh phát sinh đã và sẽ tiếp tục phản ánh vào giá cả hàng hoá trong thời gian tới.

Giá dầu thế giới liên tục lập đỉnh, hiện đang ở mức cao 85-86 USD/ thùng, đã tác động lên giá xăng, dầu trong nước. Ở kỳ điều hành ngày 11/10, giá xăng trong nước tăng gần 1.000 đồng/ lít, cao kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm, giá xăng tăng tổng cộng hơn 5.000 đồng/ lít. Xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết ngành sản xuất kinh doanh và theo đó, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại giá các mặt hàng, dịch vụ cũng chịu tác động, kéo theo áp lực tăng giá, lạm phát.

Không chỉ xăng dầu, mà thời gian qua, hàng loạt chi phí đầu vào sản xuất, nguyên vật liệu cũng tăng mạnh, cùng với đó là chi phí chống dịch để đảm bảo sản xuất, kinh doanh cũng tăng. Từ đầu năm đến nay, thép luôn là mặt hàng “nóng” và mới nhất, các doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh giá thép xây dựng, tăng lên mức 16.610 - 18.120 đồng/kg tùy từng thương hiệu. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng kể từ cuối năm 2020, trong đó giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh phân tích, chỉ số CPI theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tăng chỉ khoảng 1,8%, trong 9 tháng đầu năm là mức thấp, nhưng chỉ số GDP deflator (chỉ số điều chỉnh GDP) tăng tới 23%. Điều đó thể hiện sự phân kỳ giữa 2 chỉ số, mức chênh lệch lên tới 10 lần, trong khi đó CPI và GDP deflator thông thường song hành cùng nhau.

Sở dĩ có sự phân kỳ như vậy, theo ông Thế Anh là do CPI tính toán giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng, mà thời gian vừa qua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, GDP deflator đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, nên phản ánh chính xác thực trạng giá cả trong nền kinh tế.

Giá sản xuất cuối cùng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng, khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa, nguy cơ lạm phát là tương đối lớn.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, áp lực lạm phát hiện tăng khá rõ, tuy nhiên, chi phí, giá cả hàng hoá chưa thể tăng ngay, do sức cầu còn yếu. Ông Lực dự báo, CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 2,3-2,5%, thấp nhất trong vòng 6 năm. Năm 2022, với đà phục hồi của nền kinh tế dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn.

Ông Phạm Thế Anh phân tích, sức ép từ lạm phát khiến cho dư địa của chính sách tiền tệ hẹp lại. “Quan điểm của tôi là chính sách tiền tệ không thu hẹp nhưng cần điều hành thận trọng và kiểm soát chặt chẽ khi nới lỏng”, ông Anh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, việc thực hiện chính sách tiền tệ cần có sự thích ứng trong bối cảnh hiện nay, nghĩa là đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm với các biện pháp kiểm soát rủi ro vừa phải.

MỚI - NÓNG