Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chưa bao giờ lực lượng y tế phải chịu áp lực khủng khiếp như giai đoạn đại dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội tại TPHCM. Những dòng nước mắt đã lăn dài vì kiệt sức và đau đớn khi mất bệnh nhân, nhưng các y bác sĩ đang gồng mình làm việc bằng ý chí với niềm tin sớm đưa cả xã hội trở lại giai đoạn bình thường mới.
Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 1

Gần 4 tháng qua, các y bác sĩ nơi tuyến đầu đang căng mình trong cuộc chiến chống COVID-19.

TPHCM vốn ồn ào náo nhiệt suốt đêm ngày, nay bỗng nhiên trở nên vắng lặng chìm trong đau thương mất mát bởi đại dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội gần 4 tháng qua. Các bệnh viện tiếp nhận, điều trị COVID-19 giờ đây đang chìm trong không khí buồn bã, bác sĩ đứng trước những nỗi lo bệnh nhân đang giữa lằn ranh sinh tử. Các nhân việc y tế quay cuồng suốt ngày đêm, vắt kiệt sức mình với hy vọng cứu bệnh nhân, nhưng những nỗi đau vẫn chưa dừng lại.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 2

Thiếu nguồn lực hỗ trợ, y bác sĩ cũng xắn tay vào làm các công việc tạp vụ để chuẩn bị giường điều trị.

“Hôm qua, chúng tôi xót xa đau đớn khi để vụt mất cùng lúc hai mẹ con bệnh nhân. Đó là trường hợp thai phụ 19 tuổi, thai sống 28 tuần, y bác sĩ kéo máy qua cho bệnh nhân thở, chỉ số SpO2 đã cải thiện lên hơn 90% khi đó ai cũng vui mừng và còn mở nhạc cho em nghe. Nhưng khoảng 1 tiếng rưỡi sau thì nghe báo động, bệnh nhân đã gục trên gối” – BS Lưu Thị Khánh Vương, Bệnh viện Hùng Vương nghẹn ngào chia sẻ về một trường hợp thai phụ bị COVID-19 cướp đi sự sống.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 3

Cuộc chiến với dịch bệnh không có chỗ cho sự sợ hãi và những cảm xúc cá nhân.

Nhân sự phục vụ chuyên môn đã phải chia nhau căng mình trên nhiều chiến tuyến, hàng loạt các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị COVID-19, các Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 liên tiếp được thiết lập nhưng mở ra đến đâu đều rơi vào quá tải bệnh nhân đến đó. Mỗi tua trực một nhân viên y tế hiện đang phải gồng gánh để theo dõi, chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân. Làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, thường xuyên phải chứng kiến đau thương mất mát của người bệnh trong khi tâm lý và sức người hạn hữu, có những nhân viên trẻ không chịu nổi áp lực đã bật khóc.

Điều dưỡng Trần Thị Thúy, phụ trách điều dưỡng tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nghẹn ngào chia sẻ: “Có những hôm các em điều dưỡng bước ra khỏi khu cách ly thì ngồi khóc nức nở vì quá mệt. Nhưng chỉ ngồi nghỉ khoảng 15 phút đã lập tức trở lại phòng điều trị. Ai cũng đuối sức nhưng chúng tôi đang cố gắng hết mình và động viên nhau vượt qua khó khăn”.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 4

Bất kể ngày đêm các y bác sĩ, điều dưỡng đang trở thành người "gác cổng sự sống" cho bệnh nhân COVID.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Nhân sự của chúng tôi đến nay cơ bản đã điều động hết để hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến nên anh em đang phải căng mình làm việc gấp nhiều lần sức lực so với bình thường. Số y bác sĩ thì có hạn nhưng số người bệnh cần điều trị lại ngày càng tăng”.

Ngay cả những người đã từng “vào sinh ra tử” với đại dịch COVID-19 trong những đợt bùng phát dịch ở các tỉnh thành trước đây, nay đương đầu với biến chủng Delta đang bùng phát dữ dội tại TPHCM cũng không khỏi nghẹn ngào. BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang tham gia hỗ trợ điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 trong Bệnh viện Dã chiến số 16 chia sẻ: “So với các đợt dịch trước ở các tỉnh thành, số ca mắc bệnh và ca bệnh nặng tại TPHCM cao hơn rất nhiều. Anh em chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế sẽ có nhiều khó khăn và mất mát nhưng thực tế đang diễn ra quá khốc liệt”.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 5

Cuộc chiến với dịch COVID-19 đang ở giai đoạn khốc liệt chưa từng có trong lịch sử ngành y.

Trong tình cảnh thiếu cả nhân lực và trang thiết bị nhưng số ca bệnh nặng ngày càng nhiều, không ít nhân viên y tế đang phải thức suốt đêm để bóp bóng cho bệnh nhân. Họ không buông xuôi trước sự nguy kịch của người bệnh mà vẫn nỗ lực cứu chữa với hy vọng bệnh nhân có thể vượt qua chính mình để chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình. Đã có những tiếc nuối, đau thương khi người bệnh tử vong nhưng niềm vui cũng vỡ òa khi người bệnh được cứu sống.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 6

Sinh mạng của người bệnh là thứ quý giá nhất đang được nhân viên y tế tranh thủ từng giây từng phút để cứu chữa.

BS Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhận định: “Thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân phải nhập viện với mức độ nặng, nguy kịch nhưng với sự đáp ứng về trang thiết bị y tế và hỗ trợ kịp thời của lực lượng chống dịch tuyến đầu trên khắp cả nước, chúng tôi tin tưởng sẽ có ngày càng nhiều bệnh nhân nguy kịch được cứu sống. Những dòng nước mắt, những giọt mồ hôi đang rơi, những người quá nặng đã ra đi nhưng nhiều bệnh nhân từng nguy kịch lần lượt được điều trị khỏi là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giúp đội ngũ làm công tác chuyên môn chúng tôi tiếp tục chiến đấu và tin tưởng sẽ chiến thắng”.

Áp lực khủng khiếp của y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 7

BS Trần Thanh Linh cùng các đồng nghiệp biến phòng bệnh thành nơi hội chẩn cứu chữa ca nặng và nguy kịch.

Tính đến tối 22/8, tại TPHCM đã có tổng cộng 175.994 bệnh nhân mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân, trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Số liệu thống kê được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 công bố trưa 22/8 cho thấy, toàn thành phố đã có 6.349 người tử vong vì COVID-19.

Báo Tiền Phong tổ chức Chương trình

Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch COVID-19”

Quý nhà hảo tâm có thể ủng hộ qua các hình thức: Chuyển tiền qua tài khoản của Báo Tiền Phong; Ủng hộ hiện vật là lương thực, nhu yếu phẩm, máy móc, trang thiết bị y tế…

1. Tài khoản ngân hàng:

- Tên tài khoản: Báo Tiền Phong

- STK: 123 10 0000 62175

- Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Quang Trung Hà Nội, địa chỉ 53 Quang trung Hà Nội, Việt Nam.

- Nội dung chuyển khoản “Ủng hộ chống dịch”

2. Liên hệ Toà soạn báo Tiền Phong theo địa chỉ:

- Trụ sở Tòa soạn:

15 Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 0977.456.112

- Ban đại diện thành phố Hồ Chí Minh

384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Điện thoại: (028) 38484366

- Ban đại diện tại Miền Trung

19 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng, Điện thoại: 0236. 3828039

- Ban đại diện tại Nghệ An

21 Hồ Xuân Hương, TP Vinh, Nghệ An, ĐT: (0238)8602345

- Ban đại diện tại ĐBSCL

41 CMT8, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ - 0292.3823823

- Ban đại diện tại Tây Nguyên

52 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Điện thoại: 0262.3950029

- Văn phòng đại diện tại Bắc Giang

Toà nhà các đơn vị sự nghiệp tỉnh Bắc Giang, đường Quách Nhẫn, TP Bắc Giang. Điện thoại: 0988104913

MỚI - NÓNG