Hãng thông tấn AP cho biết hơn 3.600 chuyến hàng gỗ, kim loại, cao su và các hàng hóa khác đã được vận chuyển từ Nga đến Mỹ kể từ tháng 2.
“Con số này giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, khi có khoảng 6.000 chuyến hàng từ Nga đến Mỹ, nhưng nó vẫn mang lại giá trị thương mại hơn 1 tỷ đô la mỗi tháng”, AP viết và cho biết thêm rằng hàng hóa từ Nga cập cảng Mỹ hầu như hằng ngày.
AP cũng lưu ý rằng việc “cấm nhập khẩu một số mặt hàng có thể sẽ gây hại cho ngành đó ở Mỹ hơn là ở Nga”. Một số nhà nhập khẩu Mỹ được cho là có nguồn nguyên liệu thay thế ở nơi khác, nhưng nhiều nhà nhập khẩu thì không.
Các mặt hàng đang tiếp tục được chuyển từ Nga đến Mỹ là “hoàn toàn hợp pháp, và thậm chí được khuyến khích bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden”. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khó có thể xác định nguồn gốc các sản phẩm được vận chuyển từ các cảng của Nga. Ví dụ, các công ty năng lượng của Mỹ đang tiếp tục nhập khẩu dầu từ Kazakhstan thông qua các cảng của Nga, mặc dù dầu đó đôi khi được trộn với nhiên liệu của Nga, vốn bị cấm.
Nhà kinh tế Jacob Nell của Morgan Stanley nói với AP rằng Nga là nước xuất khẩu chủ chốt các kim loại như nhôm, thép và titan. Do đó việc cắt giảm giao thương các mặt hàng này có thể sẽ đẩy giá lên đáng kể đối với những người Mỹ vốn đang phải vật lộn với lạm phát.
“Bản chất của các lệnh trừng phạt là các bạn phải làm cho đối phương thiệt hại nhiều hơn mình”, ông Jacob Nell nói.
Đồng quan điểm, tạp chí The Economist thừa nhận các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây đối với Nga cho đến nay không thể mang lại kết quả như mong muốn.
“Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Nga sẽ giảm 6% vào năm 2022, ít hơn nhiều so với mức giảm 15% mà nhiều người cho là sẽ đạt vào tháng 3. Sau cuộc khủng hoảng, hệ thống tài chính của Nga đang dần ổn định và nước này đang tìm kiếm những người mua mới cho một số mặt hàng nhập khẩu, trong đó có Trung Quốc”, The Economist chỉ ra.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng năng lượng – hậu quả của cuộc chiến trừng phạt, "có thể kích hoạt một cuộc suy thoái" ở châu Âu, nơi giá khí đốt tăng thêm 20% trong tuần này, theo tạp chí Anh.
Tất cả những điều này có nghĩa là việc “làm tê liệt Nga bằng các lệnh trừng phạt đã không thành hiện thực”.
“Thời điểm đơn cực của những năm 1990, khi Mỹ sở hữu quyền lực tối cao, đã không còn. Và sự thèm muốn sử dụng vũ lực quân sự của phương Tây đã suy yếu kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan”.
Các hạn chế kinh tế “dường như” là công cụ mới cho phép Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh thể hiện sức mạnh của họ trên toàn cầu, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy “vũ khí trừng phạt có lỗ hổng”, tờ The Economist viết.
Một trong những lỗ hổng là “độ trễ thời gian”. Ví dụ, việc chặn Nga tiếp cận những công nghệ mà phương Tây độc quyền sẽ mất nhiều năm mới mang lại tác dụng.
The Economist gợi ý rằng sự cô lập Nga khỏi các thị trường phương Tây chỉ có thể “gây ra sự tàn phá ở Nga trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới”.
“Lỗ hổng lớn nhất của các biện pháp trừng phạt là có tới hơn 100 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu không tuân theo các lệnh cấm vận (toàn bộ hoặc một phần) đối với Nga”, tờ báo này nhấn mạnh. “Một nền kinh tế toàn cầu hóa có khả năng thích ứng tốt với các cú sốc và cơ hội, đặc biệt khi hầu hết các quốc gia không muốn thực thi chính sách của phương Tây.”