Thời còn là sinh viên trường Đại học Văn Lang, Mai Tiến Hùng (sn 1977) là Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường nên biết rõ ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo (HMNĐ). Năm 2002, anh về Đắk Lắk, làm việc tại Cty Prudential và bắt đầu gây dựng phong trào hiến máu, khi khái niệm HMNĐ đối với người dân Đắk Lắk còn xa lạ, việc vận động gặp nhiều khó khăn.
Không chờ ai giao nhiệm vụ, Mai Tiến Hùng nhiệt tình cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ, và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tổ chức tư vấn, giải đáp thắc mắc để người dân hiểu hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, mà có thể cứu mạng được nhiều người. Anh vận động người thân, bạn bè, cán bộ nhân viên Cty tham gia với lần tự tổ chức đầu tiên có hơn 500 người đăng ký, thu được 350 đơn vị máu. Sau đó, những năm tiếp theo, cứ vào tháng 11 sinh nhật, Cty của anh lại tổ chức hiến máu như một món quà ý nghĩa, kêu gọi nhiều bạn trẻ cùng tham gia, để phong trào hiến máu lan rộng.
Mỗi đợt tổ chức hiến máu, anh Hùng đều cẩn thận ghi lại địa chỉ, số điện thoại của người hiến, để tiện liên lạc khi bệnh viện tỉnh phát tín hiệu cấp cứu. Từ năm 2005, “ngân hàng máu sống” không tên này đã tự hình thành, đặt “bản doanh” tại nhà riêng anh Hùng ở 42 Nguyễn Văn Trỗi (phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột). Theo dòng công nghệ, “ngân hàng máu” cũng liên tục đổi mới cách liên lạc, từ gọi điện thoại, tới đăng Zalo, Facebook để huy động nguồn. Các thành viên “ngân hàng” hạn chế hiến theo phong trào, mà ưu tiên dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Mai Tiến Hùng được nhiều người gọi vui là “anh hùng cứu sản phụ” từ lần được gọi đi hiến tiểu cầu khẩn cấp để cứu một sản phụ bị băng huyết đúng vào trưa mùng một tết Dương lịch. Anh cùng nhóm máu, trùng tiểu cầu với sản phụ, nhưng lại mới hiến máu cách đó 1 tháng. Bác sĩ không tìm được ai khác phù hợp, nên Hùng hiến luôn. Sau 2 tiếng rưỡi nằm yên để bác sĩ lọc lấy tiểu cầu, Hùng mệt lả choáng váng, nhưng ấm lòng khi biết tin nguồn tiểu cầu từ anh đã góp phần cứu sản phụ qua cơn nguy kịch.
Lần khác, Hùng lại hiến tiểu cầu cho một nữ sinh lớp 12 bị sốt, tụt huyết áp, sự sống mong manh. Sau khi nhận được tiểu cầu từ người không quen biết, thiếu nữ dần hồi phục. Kể từ đó, mẹ và em trai nữ sinh trở thành tình nguyện viên tích cực trong các cuộc vận động hiến máu. Tới nay, anh Mai Tiến Hùng đã có 33 lần hiến máu, 3 lần hiến tiểu cầu, và anh còn gây dựng được một “ngân hàng máu sống” với 50 thành viên, sẵn sàng cứu người bất cứ lúc nào.
Mai Tiến Hùng chia sẻ: anh may mắn có người bạn đời tốt tính! Chị Võ Thị Lan không những luôn ủng hộ chồng “ăn cơm nhà, vác ngà voi”, mà còn thường xuyên cùng chồng trích lợi nhuận từ kinh doanh, để làm nhiều việc thiện khác như hỗ trợ bếp cơm tình thương, phối hợp với Hội chữ thập đỏ phường Thắng Lợi tặng quà, nhu yếu phẩm hàng tháng cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phối hợp với chùa Kỳ Viên trao học bổng lâu dài cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó… với mong muốn thu hút các bạn trẻ cùng làm việc thiện, hiểu được ý nghĩa cuộc sống, tránh sa vào tệ nạn xã hội.
Nói về “thầy” Mai Tiến Hùng, anh Hoàng Minh Trung, giáo viên dạy toán -tin trường PTTH Y Jut ở huyện Cư Kuin, phụ trách nhóm “Hành trình đỏ Đắk Lắk” có khoảng 200 thanh niên chuyên HMTN, ngưỡng mộ kể: Nhóm đã nhận được sự hỗ trợ rất sâu sắc, chí tình của anh Hùng, nhất là về phương pháp hoạt động nhân văn, đúng hướng, nuôi lửa thiện nguyện lâu dài, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh có ý thức sống tốt hơn. Ngày 27/1 sắp tới, anh em Tiến Hùng, Minh Trung cùng các thành viên nhóm sẽ đến cổ vũ và tham gia hiến máu tại Chủ Nhật Đỏ do lãnh đạo thành phố Buôn Ma Thuột đăng cai, cùng báo Tiền Phong tổ chức.