“Anh hùng bàn phím” - kẻ “sát nhân” gián tiếp

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
TP - “Sự nguy hại, thậm chí là tội ác trong hành vi share (chia sẻ) clip sex với những chỉ trích, thóa mạ gay gắt mặc dù em T. đã lên tiếng van xin, đã gián tiếp gây nên cái chết của em. Đó là sát nhân gián tiếp đáng báo động”, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết.

Không ngừng ở việc dẫn lại đường link clip sex giữa nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi, học sinh lớp 9) và Phạm Đình Lộc (22 tuổi) cùng ngụ xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) do Lộc phát tán, những người này còn lục lọi facebook cá nhân của 2 nhân vật chính để thóa mạ, lấy ảnh của họ để bôi nhọ trên các diễn đàn khác nhau.

"Hình thức phát tán clip, những lời thóa mạ, chỉ trích của cư dân mạng chính là sát nhân gián tiếp dồn T. đến quyết định tự tử”.

Thạc sĩ 

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Vụ clip quay cảnh ân ái và T. tự tử đã trở thành chủ đề nóng bỏng trên các trang mạng xã hội. Sau khi clip được tung lên mạng, nhiều người lao vào bình luận, chỉ trích T. bằng lời lẽ gay gắt. Trước khi quyên sinh, T. lên mạng kêu gọi mọi người tha thứ nhưng nhiều người vẫn tiếp tục phê phán. “Sự lan truyền không kiểm soát trên thế giới ảo chính là con dao hai lưỡi, những câu thóa mạ của các “anh hùng bàn phím” chỉ mất vài giây để gõ và đẩy lên mạng nhưng gây áp lực lớn, ảnh hưởng tâm lý nặng nề với người trong cuộc. Hình thức phát tán clip, những lời thóa mạ, chỉ trích của cư dân mạng chính là sát nhân gián tiếp dồn T. đến quyết định tự tử”, Thạc sỹ Khắc Hiếu nói.

Học cách yêu, chia tay an toàn

Theo Thạc sỹ Khắc Hiếu, quyết định đi tìm cái chết của T. là cộng hưởng của 4 cái thiếu: thiếu cân bằng trong tâm lý lứa tuổi - thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc - thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề - thiếu chỗ dựa từ cha mẹ, những người thân trong gia đình. Ở độ tuổi trẻ trung, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, đôi khi lấn át cả quá trình ức chế nên bạn trẻ dễ mất kiểm soát bản thân và có hành động khó ngờ, tiêu cực trước cú sốc đầu đời.

Hơn nữa, nếu không biết quản lý cảm xúc, không biết tự giải tỏa và vượt qua áp lực, cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át hết cả lý trí và ý chí trong con người, làm họ yếu mềm đi và dẫn tới gục ngã.

Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, các em dễ cảm thấy cùng đường và chìm vào sự căng thẳng trong khi còn rất nhiều cách để giải quyết. Nếu có cha mẹ, thầy cô làm chỗ dựa, hẳn các em đã không dễ dàng gục ngã một cách cô đơn như vậy.

Từ cái chết đáng tiếc của nữ sinh T., Thạc sỹ Khắc Hiếu chia sẻ với các bạn trẻ cách yêu và chia tay an toàn. Các bạn trẻ học cách yêu an toàn để bảo vệ bản thân, bảo vệ tình cảm đầu đời với nhiều bỡ ngỡ như tránh ghi lại những hình ảnh nhạy cảm. Bởi những hình ảnh, clip khi còn yêu là kỷ niệm chung của 2 người nhưng khi xảy ra va chạm, đổ vỡ thì những hình ảnh gần gũi, thân mật ấy sẽ trở thành công cụ để đối tượng lợi dụng, đe dọa đạt được mục đích họ mong muốn. Mặt khác, khi một trong 2 người muốn chia tay cũng phải lựa chọn cách tránh gây sốc, tổn thương cho đối phương để bảo vệ chính mình.

Ngoài ra, Thạc sỹ Khắc Hiếu cho rằng, nếu bạn trẻ nào rơi vào tình trạng tương tự như T., khi bị Lộc đe dọa, các bạn nên tâm sự với bố mẹ để tìm sự giúp đỡ từ chính gia đình. Khi bị đối phương đe dọa, phải cùng gia đình mình đàm phán với bố mẹ, gia đình của đối phương, đồng thời báo với cơ quan công an địa phương để can thiệp kịp thời ngăn chặn hành vi phát clip nhạy cảm.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.