Anh có thể sẽ rời Liên minh châu Âu vào năm 2020

Những người phản đối Brexit biểu tình ngoài đường phố với khẩu hiệu " Hãy ở lại EU"
Những người phản đối Brexit biểu tình ngoài đường phố với khẩu hiệu " Hãy ở lại EU"
TPO - Hôm nay, 10/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với các lãnh đạo EU để quyết định sẽ cho Anh kéo dài quá trình rời khỏi EU trong bao lâu. Nhiều khả năng, Anh sẽ phải ở lại EU cho đến cuối năm nay hoặc đến tháng 3/2020.

Đề nghị của Thủ tướng Anh Theresa May cho nước này được trì hoãn Brexit trong một thời gian ngắn dường như không được EU chấp thuận.

Anh có thể sẽ rời Liên minh châu Âu vào năm 2020 ảnh 1

Một ngày trước phiên họp thượng đỉnh của EU về Brexit, bà May đã sang Berlin gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm thuyết phục bà ủng hộ kế hoạch của mình.

Mặc dù bà May đã có chuyến đi tuyệt vọng sang Paris và Berlin ngày 9/4 để thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng ý với kế hoạch trì hoãn Brexit của bà, giúp bà phá vỡ sự bế tắc Brexit, nhưng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã báo hiệu  về việc các nhà lãnh đạo EU thiếu tin tưởng vào các cuộc đàm phán của bà May và 27 thành viên EU đang có xu hướng ủng hộ cho một sự trì hoãn Brexit lâu dài.

Trong thư mời các lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh ngày 10/4, ông Tusk dướng như đã bác bỏ kế hoạch trì hoãn Brexit trước ngày 30/6.

Các nhà ngoại giao EU cho biết ngày 9/4 rằng, sau các cuộc họp đại sứ vào lúc nửa đêm, họ đã đưa ra hai thời hạn cho việc Anh rời khỏi châu Âu là cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 3 năm 2020.

Anh có thể sẽ rời Liên minh châu Âu vào năm 2020 ảnh 2

Bà May sang Paris trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ mình.

Nguồn tin từ nội các Anh cho biết, họ tỏ ra hoài nghi về đề xuất của bà May trì hoãn  Brexit đến ngày 30/6 được EU chấp thuận. Ngoài ra, một số thành viên nội các giờ đã chấp nhận rằng, cuộc chơi đã gần như kết thúc và tất cả các lựa chọn đều đưa thủ tướng vào thế khó và đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu bà May có thể giữ vị trí lãnh đạo trong đảng của bà được lâu hơn nữa hay không.

Bà May hiện đang phải đối mặt với sự phản đối trong các thành viên nội các của mình, những người dường như muốn có kéo dài thời gian Brexit lâu hơn và chấp thuận tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.

Bốn thanh viên nội các của bà là Andrea Leadsom, Chris Grayling, Liam Fox  và Geoffrey Cox, mà một nửa trong số đó là thành viên của đảng Bảo thủ, đã bỏ phiếu ngày 9/4 phản đối việc kéo dài thời hạn Brexit đến tháng 6. Điều này đã làm mất đi sự ủng hộ của bà May trong chính đảng của mình.

Trong một tuyên bố về chiến lược của chính phủ Anh, ông Tustk nói: “  Kinh nghiệm của EU đến nay cho thấy rằng, với sự chia rẽ sâu sắc trong Hạ viện Anh thì hầu như không có lý do nào cho chúng tôi tin rằng, quá trình phê chuẩn một thỏa thuận có thể được hoàn thành trước ngày 30/6".

24 giờ trước khi bà May sẽ tới Brussel để trình bày ý tưởng của mình với các nhà lãnh đạo EU, ông Tusk cảnh báo, việc trao một sự kéo dài thời hạn này có thể sẽ kéo theo nguy cơ của một loạt các sự kéo dài ngắn hạn khác.

“ Sự không chắc chắn liên tiếp cũng sẽ không tốt cho nền kinh tế và công dân EU. Cuối cùng, nếu chúng ta không nhất trí một sự trì hoãn tiếp theo, Anh sẽ có nguy cơ phải ra đi không thỏa thuận”, ông Tusk tiết lộ.

Cho đến nay, đề nghị gia hạn thêm một thời gian ngắn của bà May đã nhận được một số ủng hộ của các nhà lập pháp Anh. Nhà đàm phán chính của EU, ông Michel Barnier đã khuyên các bộ trưởng trong cuộc họp ở Luxembourg rằng, một sự trì hoãn lâu dài sẽ gỡ bỏ áp lực đối với Quốc hội Anh bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của bà May. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, việc ủng hộ cho một sự gia hạn lâu dài chiếm ưu thế.

Pháp tin rằng, việc kéo dài thêm 1 năm nữa theo đề xuất của ông Tusk hồi đầu tháng có thể là quá lâu, nhưng nó sẽ làm mềm hóa tình hình.

Trong cuộc họp ngày 9/4, Slovenia, Australia và Tây Ban Nha đều bày tỏ lo ngại về một sự trì hoãn lâu dài và lo ngại sẽ có ảnh hưởng xấu tới EU.

Theo những thông tin rò rỉ từ cuộc họp này, một số thành viên của EU cho biết, họ không tin rằng Công đảng đối lập và đảng Bảo thủ của bà May có thể tìm được một sự thỏa hiệp.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức một ngày trước phiên họp thượng đỉnh của EU, bà May dường như đã nhận được sự ủng hộ của hai đồng minh thân cận này, nhưng cả hai đều cho thấy dấu hiệu chấp nhận một sự trì hoãn kéo dài hơn.

Một nguồn tin từ điện Elysee nói: “ Chúng ta không thể cứ lặp đi lặp lại các cuộc họp về Brexit. EU còn có nhiều việc khác phải làm. Từ giờ đến lúc bầu cử nghị viện châu Âu chỉ còn vài tuầnnữa, EU phải cho thấy rằng, họ biết phải làm gì với các vấn đề khác hơn là tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh về Brexit”.

Theo The Guardian, Reuters
MỚI - NÓNG