> Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp cần phát triển hài hòa
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây ấn tượng tại IFRI
> Pháp - Việt, cầu nối Á - Âu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn IFRI. Ảnh: XB. |
Ngài Viện trưởng Thierry de Montbrial, Giám đốc điều hành, IFRI đón đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam ngay cửa chính chỗ đỗ ô tô. Cung cách ông tự nhiên, thân tình cứ như từng quen biết nhau mặc dầu mới lần đầu gặp.
Tôi thấy ngài còn sung sức lắm. Trước khi làm việc trên hội trường, Ngài có vui lòng leo bộ với tôi lên tầng 3 phòng làm việc của tôi được không? Khách Việt Nam chừng như hơi bất ngờ với động thái của chủ nhà nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tùy tùng đều vui vẻ thong thả theo chân ông.
Dùng nghiên cứu và liên kết nghiên cứu kinh tế chính trị học độc lập khách quan trung thực không phục vụ phe nhóm lợi ích nào trước nhất là phục vụ lợi ích của nước Pháp. IFRI là con đẻ của Thierry de Montbrial và đã góp phần làm vẻ vang cho nước Pháp. |
Phòng làm việc của ngài Viện trưởng IFRI là căn phòng rộng vừa phải chừng hơn ba chục mét vuông. Nội thất sơ sài, mỗi bộ salon tiếp khách và kìa, sách, ôi trời là sách giăng trên sàn, đậu chi chít trên tường. Đã đành chủ nhân ham đọc nhưng ông cũng là tác giả của nhiều cuốn mà tác phẩm nào cũng dày dặn vài trăm trang với nhiều kiểu, khổ.
Đến Viện IFRI trước đó, lang thang một lúc ở tầng trệt, tôi đã nhác thấy riêng Viện trưởng De Montbrial có hẳn một khoang kính lớn. Sự thăng trầm của các hệ thống nhà nước. Hai mươi năm thế giới đảo lộn. Các hệ thống thế giới. Hồi ký đi Nga vv… Cô thủ thư bộc bạch rằng sếp của cô là tác giả của gần 2 chục đầu sách.
Khi các thành viên chính phủ, các bộ trưởng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng… yên vị trên bộ salon thì liền xảy một trạng huống bất ngờ. Ấy là khi một thành viên thân mật hỏi về cái chữ Đờ (De) trong họ của chủ nhà, thì bất ngờ ông chủ hướng cái nhìn đăm đăm về phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… Chất giọng ông vẫn sôi nổi vồn vã lúc khách mới tới nhưng bây giờ có phần nhỏ nhẹ, cảm động.
Có lẽ câu chuyện được trích đoạn không ăn nhập chi mấy với khung cảnh hiện tại lúc nhà (ấy là khi Viện) đương có việc, nhưng tôi cũng mạn phép biên ra đây ít dòng…
Một cuốn sách của ngài Viện trưởng IFRI . |
Những năm cuối thế kỷ XIX, có một viên chức trẻ nhà băng De Montbrial sang tòng sự ở xứ Đông Dương. Ông mang theo người vợ mới cưới. Sang Hà Nội vài năm, người vợ mang thai và đầu năm 1912 thì khai hoa mãn nguyệt. Cậu con trai cất tiếng khóc chào đời ở một biệt thự phố cổ Hà Thành! Nhưng chủ nhân bây giờ đang ngồi đây bộc bạch rằng không thể tài nào nhớ nổi nơi ở của người ông nội mình?
Năm tháng dần qua… Cậu con trai ông nhân viên nhà băng ấy từng hít thở không khí xứ nhiệt đới đã trưởng thành. Cậu được bố rèn cặp nhiều thứ trong đó có việc dần dà nối được chí người cha ở ngạch ngân hàng. Rồi một biến cố xảy ra khiến chàng trai De Montbrial phải rời Hà Thành và xứ Đông Dương. Người ta nói, nhân cách cùng chí hướng tính cách của một đời người thường phát sinh cùng định hình ở cái tuổi mười hai, mười ba huống chi chàng trai De Montbrial khi đó đã là hăm mấy? Nhưng rồi vô số cơ sự khác sau đó đã níu giữ thân phận chàng trai mãi mãi bên Pháp quốc. Chàng cưới vợ và có cuộc sống gia đình ấm êm. Và chàng cũng không quên kể lại với con trai mình gốc tích hàn vi thuở ấy của người ông nội bên xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Dẫu cho gốc tích có sinh sắc cỡ nào, nhưng ký ức về ông nội qua những câu chuyện lúc đứt, lúc nối của người cha cũng chỉ cho con trai lưu giữ được mấy khúc ngắn ngủi về ông nội, rằng ông từng mưu sinh tít tận Đông Dương thuở ấy!
Cậu vào trường X. Bách khoa danh tiếng. X chả phải là một biệt danh mà chỉ là cái tên nước Pháp đặt cho một ngôi trường kỹ nghệ ở Paris có bề dày hàng thế kỷ, chuyên đào tạo những người tài trong đó có nhiều danh nhân ở các lĩnh vực tiếng tăm cho nước Pháp (Học giả Hoàng Xuân Hãn của Việt Nam từng được đào tạo ở trường này).
Tốt nghiệp xuất sắc về toán, nhưng cậu lại say mê và rất có năng khiếu về bộ môn nghiên cứu kinh tế chính trị. Nhưng như chủ nhân cho hay, kiến thức về bộ môn khoa học cơ bản đã cho ông có phương pháp tư duy mà sau này, ông coi là một phương tiện tiếp cận hữu hiệu những vấn đề chính trị phức tạp.
Say mê chính trị nhưng như ông nói ông không làm cái việc can dự vào những chức tước, quan trường mà đeo đuổi tới cùng mơ ước làm một chuyên gia nghiên cứu độc lập.
Ông đã có những năm tháng đắc ý hào sảng, như một nhà thuyết khách, một người bắt bệnh riêng về kinh tế chính trị cho những quốc gia và yếu nhân trên thế giới (Cuốn Journal Russia- tạm hiểu là những ghi chép ở Nga được thực hiện bằng một phong cách độc đáo đan xen những chuyện đời ăn nhập hài hòa với những vấn đề chính trị gay cấn, rối rắm từng được bán rất chạy ở nhiều quốc gia).
Chủ nhà hướng cái nhìn về Thủ tướng Việt Nam cười Như vậy gia đình tôi có thể nói đã gắn bó và có duyên với đất nước của ngài. Cũng nói luôn rằng nơi mà ngài đang ghé đây nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có châu Á đã ngồi. Gần đây nhất là ông Lý Quang Diệu, ông Hồ Cẩm Đào. Ông cũng nói luôn, Viện IFRI và cá nhân ông đã rất ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam ở Diễn đàn Shangri-La, Singapore. Viện IFRI trước đó đã làm các thủ tục cần thiết để mời Thủ tướng Việt Nam đến làm việc hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhã nhặn vui vẻ, chừng như giới thiệu thêm, trước đây ông đã có thời gian phụ trách ngành ngân hàng Việt Nam. Đã từng ngồi ở cái nhà mà ông nội của ngài đã từng làm việc. Nhân đây tôi trân trọng mời ngài sang thăm Việt Nam và chính tôi sẽ dẫn ngài đến cái ngôi nhà mà tiền nhân đã từng tòng sự…
Thủ tướng cười, nói tiếp rằng với niềm tin và lòng tin cá nhân của chúng ta, hôm nay ở Viện IFRI, chúng ta sẽ khởi sự vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình hợp tác và thịnh vượng!
Ngó khắp lượt hội trường của Viện, đã đành sắc phục tuổi tác khác nhau, nhưng như vừa giới thiệu, thành phần tham dự diễn đàn những là giới nghiên cứu chính sách rồi các cơ quan của chính phủ, một số đảng phái, những cơ quan tổ chức mà hoạt động của họ ảnh hưởng nhiều hoặc ít đến chính sách quốc gia vv… Tôi có cảm giác như đang kề bên sắc màu trắng đỏ xanh của quốc kỳ Pháp? Rằng có khác nhau nhưng tất thảy 3 bộ phận cấu thành ấy đều vì lợi ích vì danh dự của nước Pháp?
Thủ tướng Việt Nam trình bày vấn đề cùng ý kiến của mình thời lượng chỉ gần một phần ba: Tôi rất mong được sự chia sẻ đóng góp của các quý vị, các học giả. Hai phần còn lại là hỏi và đáp. Người hỏi thì nhiều. Chỉ mỗi mình Thủ tướng đáp !
Câu hỏi thì phong phú. Toàn những thứ thời sự, và có nhiều những vấn đề nhạy cảm! Tưởng như câu hỏi của một ông tướng nhà binh P.Henri thuộc văn phòng Tổng tham mưu quân đội Pháp quan điểm Việt Nam như thế nào với nhóm BRICS (nên kinh tế mới nổi) là… hiền lành nhất? Hóa ra lại gài vô đó khối thứ hóc lẫn nhạy cảm?! Rồi Xin hỏi Thủ tướng tại sao Trung Quốc lại chưa đàm phán vào TPP (Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương) Quan điểm Việt Nam về nguy cơ nhất thể hóa trong toàn cầu hóa. Có ý kiến cho rằng ASEAN đang bàn định với Trung Quốc về COC là khó khả thi? Mỹ và Trung Quốc thời điểm nào cũng thống trị công nghệ viễn thông, Việt Nam tính sao? Ngài nhìn nhận như thế nào về pháp luật thành văn của Việt Nam so với hệ thống pháp luật của quốc gia khác ? Chưa hết Thái độ, quan điểm của Việt Nam về quản lý internet vv… và vv…
Có lẽ các cơ quan truyền thông sẽ làm cái việc trưng cùng bày ra việc tổng thuật cụ thể của quá trình hỏi và đáp ấy… Nhưng như kết luận của ông chủ sự Viện trưởng IFRI, 34 năm qua ở Diễn đàn Viện này, nhiều vị nguyên thủ đã trình bày bài viết của mình, dài có ngắn có, hay hoặc ngược lại. Và người tham gia diễn đàn, ai cũng biết, điều đáng nghe và sức nặng cùng ấn tượng là ở phần hỏi và đáp chứ không chỉ ở bài nói được chuẩn bị sẵn. Thưa ngài Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ngài chắc đã nghe những tràng vỗ tay? Xin chúc mừng ngài đã rất xuất sắc vượt qua và không hề né tránh khi trả lời những câu hỏi mà theo tôi chẳng dễ dàng và là khá nhạy cảm. Và chúng tôi cùng đồng cảm rằng, diễn đàn chiều nay ngài đã tạo ra không khí thẳng thắn và chân thành. Bằng cách tiếp cận đó, tôi tin ngài sẽ gặt hái được những thành công khi cầu thị rằng mong được sẻ chia tranh luận để tìm ra giải pháp phù hợp, cách làm hay sáng tạo.
Ngài Thierry de Montbrial cũng không quên việc trân trọng chuyển lời mời Việt Nam tham dự một diễn đàn vào tháng 10 năm nay…
Paris đêm 24/9/2013