Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Ban chỉ đạo tiền phương, trong ngày hôm qua đã có mặt tại miền Trung, trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống ứng phó với bão số 9.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên sơ tán khoảng 492.000 người trong khu vực nguy hiểm. Cụ thể, Quảng Nam di dời 129.194 người; Quảng Ngãi: 94.269 người; Bình Định: 96.513 người; Phú Yên: 27.653; Thừa Thiên Huế: 67.812 người; Đà Nẵng: 32.626 người. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.
“Bão mạnh nhất từ 28 và ở khu vực đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sẽ có gió giật cấp 16. Trong bờ từ Đà Nẵng vào Bình Định giật cấp 11-12. Bão số 9 này không suy yếu nhanh khi vào bờ như các cơn bão khác vì hiện nó đang đạt đỉnh về cường độ, có thể khu vực Tây Nguyên cũng có gió giật đến cấp 8-9”, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết.
Cũng theo ông Hoài, đến 13h chiều 27/10, còn 142 tàu/1.118 ngư dân hoạt động trên biển nhưng đã nắm rõ đường đi của bão, đang thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tất cả các tỉnh khác đã cấm biển.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó bão số 9 cho biết: Bão số 9 là cơn bão rất mạnh và hết sức đặc biệt. Bão này hình thành ở phía đông Philippines nên không có ma sát, không có vật cản, đi cực nhanh. Sáng 28/10 bão vào vùng biển từ Quảng Nam đến Bình Định nhưng vì phổ rộng nên các tỉnh ở phía Bắc trong đó có Huế và phía Nam cả Phú Yên cũng bị ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão số 9 của các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan đối với cơn bão có cảnh báo nguy hiểm này.
“Đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ vào nước ta. Dù chủ động như thế nào nhưng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờ. Mục tiêu là phải bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và của nhà nước”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm 4 tại chỗ với sự hỗ trợ từ lực lượng của các bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục rà soát tàu thuyền trên các khu vực nguy hiểm đi khỏi vùng nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú. Khi về tránh trú cần chằng níu để tàu thuyền không bị va chạm, tránh trường hợp tàu cá chìm tại khu neo đậu như từng xảy ra trước đây. Sơ tán người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên biển, ven biển.
“Phải sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nước ngập sâu, chảy xiết, ở các công trình nhà ở không an toàn, đảm bảo an toàn cho các công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học và các công trình đang xây dựng. Bảo vệ đường truyền tải điện, tập trung bảo vệ tài sản của người dân, cơ sở sản xuất nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp nhà hàng khách sạn, cấm người dân đi ra ngoài khi bão bắt đầu ảnh hưởng…”, Phó Thủ tướng nói và nhắc nhở các địa phương cần chú ý bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, nhất là đối với tỉnh Quảng Nam địa phương nhiều đập, hồ chứa nước, hồ thủy điện.
Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lở rất nguy hiểm. Các địa điểm nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cần phải khẩn trương sơ tán dân ngay lập tức.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến tối 27/10, vẫn còn 20 tàu cá trong vùng nguy hiểm, trong đó có 19 tàu của Bình Định, 1 tàu của Khánh Hòa. Đáng lưu ý, đầu giờ chiều 27/10, có một tàu cá Bình Định là tàu BĐ-96388-TS, với 12 ngư dân bị phá nước chìm, cách Hòn Tre, Khánh Hòa 120 hải lý.
Tại khu vực này có tàu BĐ-98658-TS với 14 ngư dân đã tiếp cận nơi tàu chìm nhưng không tìm thấy 12 người của tàu BĐ 96388 TS.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.
Từ nay đến ngày 29/10
Từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa 200-400mm/đợt
Bắc Tây Nguyên mưa 100-200mm/đợt.
Từ ngày 28 đến 31/10
Từ Nghệ An - Hà Tĩnh, mưa 200-400mm/đợt.
Quảng Trị
mưa 500-700mm/đợt.Nam Khánh