Giao lưu giữa báo Tiền Phong và độc giả Nghệ An:

Ân tình xứ Nghệ

Ân tình xứ Nghệ
Ân tình những giọt nước mắt hân hoan là tâm trạng chung của nhiều khán giả xem chương trình giao lưu “Báo Tiền Phong và độc giả xứ Nghệ” được Đài Truyền hình Nghệ An tường thuật trực tiếp vào lúc 20h10 ngày 17/7.
Ân tình xứ Nghệ ảnh 1
Tổng biên tập Dương Kỳ Anh trao xe lăn (món quà của bạn đọc Tienphongonline) gửi tặng em Lê Văn Linh

Kết thúc buổi giao lưu, nhiều người nấn ná chưa muốn về, có người lao đến ôm chầm lấy đôi bạn Cao Tiến Mùi – Nguyễn Sỹ Lý…

“Khách mời từ Hà Nội: nhà thơ Dương Kỳ Anh – Tổng biên tập báo Tiền Phong; Á hậu Việt Nam Nguyễn Ngọc Oanh (Đài THVN)”. Ngồi cạnh TBT Dương Kỳ Anh là ông Trần Duy Ngoãn – Tỉnh uỷ viên, GĐ Đài THNA; Đại tá Phạm Hồng Dưỡng – Phó chủ nhiệm Chính trị QK4; anh Nguyễn Như Khôi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn; Đại diện nhà in QK4 Phan Thanh Viễn. Trong trường quay, màu áo lính xen lẫn màu áo xanh tình nguyện điểm xuyết vào đó trắng tinh màu áo học trò.

“Tôi đọc tặng các bạn một bài thơ của tôi viết về Vinh”, nhà thơ Dương Kỳ Anh kết thúc phần giao lưu của mình bằng một bài thơ trữ tình. 10 năm trước, nhà thơ có dịp dừng chân ở thành Vinh nắng lửa. Trong nắng nôi gió Lào cát bụi, anh gặp một người con gái. Thoáng phút chia tay, thế mà đã 10 năm. 10 năm trở lại, cố nhân đâu rồi ? Núi Hồng trầm mặc và sông Lam vẫn buồn thương da diết. Tại cuộc giao lưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền Phong không nói nhiều về Tiền Phong, bởi tất cả hoạt động của Toà soạn đã được phản ánh đầy đủ trong phóng sự trên màn hình.

“Thưa Tổng biên tập, khi quyết định đặt điểm in tại Vinh, chẳng biết anh có chút tình riêng gì với quê hương?”. “Tôi là người xứ Nghệ, tình cảm của tôi dành nhiều cho quê hương…”. Bằng chất giọng đặc trưng miền Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tổng biên tập Dương Kỳ Anh nói về ân tình xứ Nghệ; những kỷ niệm của cá nhân anh cũng như của báo Tiền Phong với mảnh đất kiên cường này.

Ân tình xứ Nghệ ảnh 2

Báo Tiền Phong trao 2 triệu đồng cho các anh Nguyễn Sỹ Lý, Cao Tiến Mùi, Hồ Hồng Tuyến; chị Trần Thị Soa. Cty xi măng Hoàng Mai trao 2 triệu đồng cho 4 Cựu TNXP Nghệ An.

MC Bảo Ngọc tâm tình hỏi chuyện chị Trần Thị Soa. “Thưa chị, cơ duyên nào đưa chị gắn bó với giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong?”. “Tôi tham gia giải Việt dã truyền thống khi đang là TNXP. Lần thứ nhất có mặt trên đường đua, tôi về nhì.

Được đơn vị động viên, tạo điều kiện cho tập luyện, và sau đó 6 năm liền tôi đoạt ngôi vô địch Việt dã toàn quốc. Ngoài ra trong các cuộc đua 800m, 1.000m nữ tôi cũng nhiều lần về nhất”. Vỗ tay. Nhưng mấy ai biết, phía sau vầng hào quang chói lọi ấy là cả một quãng đời đầy khó khăn. Nhưng trong những bước gian truân ấy bao giờ cũng có sự giúp đỡ ân tình của báo Tiền Phong cũng như ngành TDTT Nghệ An.

Nguyễn Ngọc Oanh - Á hậu Việt Nam xuất hiện. Oanh đi thẳng vào chuyện: “Đây là lần đầu tiên Ngọc Oanh đến Nghệ An”. Oanh kể lần đầu tiên bước lên sân khấu cô đã hồi hộp như thế nào. “Nhưng dần dần tôi mạnh dạn hơn, chín chắn hơn khi đứng trước công chúng”. Về công việc của mình, cô cho biết: “Hiện nay Oanh đang công tác tại Ban Văn nghệ Đài THVN. Mơ ước của Oanh là được làm biên tập viên, mơ ước đó đang trở thành hiện thực”.

Sau Ngọc Oanh là đôi bạn Lê Văn Linh – Hồ Văn Sỹ (Lớp 12D trường THPT Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu) lên giao lưu. Linh bại liệt bẩm sinh. 6 năm nay, Sỹ cõng Linh đến trường đều đặn mỗi ngày, vượt qua quãng đường cả đi lẫn về 2 km. Để giúp đỡ đôi bạn, bạn đọc của báo đã tặng Linh chiếc xe lăn sau khi đọc bài viết trên báo Tiền Phong.

Thế mạnh của Tiền Phong là chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải. Trong hành trình đấu tranh vì công lý, nhiều bài viết trên Tiền Phong đã mang lại ánh sáng cho những số phận bị oan sai. Một trong những sự kiện đó là loạt phóng sự “2000 ngày oan trái” của CTV Hồ Hồng Tuyến và PV Mạnh Việt. Đến với cuộc giao lưu hôm nay, không thể thiếu “Người vô danh” Cao Tiến Mùi, anh Nguyễn Sỹ Lý, tác giả Hồ Hồng Tuyến.

Chưa đầy 50 tuổi. Tóc anh Lý thêm nhiều sợi bạc. Anh không thể quên vụ án oan khiên hơn 20 năm về trước: Đêm 30 Tết năm đó, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố của anh Nguyễn Sỹ Lý) xách nồi bánh chưng đi trả cho hàng xóm.

Đèn pin trên tay ông vô tình rọi trúng hai người thanh niên. Ông Huỳnh bị họ xông vào đánh. Ông kêu cứu. Nguyễn Sỹ Lý và anh trai chạy ra đến ngõ thì kẻ lạ mặt đã mất dạng. Hôm sau, nhiều người trong gia đình Lý bị bắt vì tình nghi có liên quan đến vụ án mạng xảy ra ngay trong đêm 30 Tết gần nhà ông Nguyễn Sỹ Huỳnh.

2000 ngày sau, sự thật được phơi bày: Hai kẻ lạ đi chơi đêm 30 Tết chính là 2 anh em trai Bùi Văn Lai – Bùi Văn Vinh. Sau khi tấn công ông Nguyễn Sỹ Huỳnh, họ bỏ chạy. Bùi Văn Lai chạy trước, nấp vào bụi rậm. Lát sau Lai thấy một bóng đen lò dò bước tới, cho rằng người nhà ông Huỳnh truy đuổi nên Lai đã lao ra dùng dao đâm. Nghiệt ngã thay, người tử nạn bởi nhát dao oan nghiệt đó chính là em trai mình. Lai đổ vấy tội lên đầu gia đình Nguyễn Sỹ Lý. Nguyễn Sỹ Lý bị kết án 17 năm tù giam.

MC Bảo Ngọc: “Anh đã thoát khỏi án oan đó như thế nào?”. “Trong lúc bị giam giữ, tôi kể chuyện này với anh Cao Tiến Mùi (bạn tù). Anh Mùi hứa: Mãn hạn tù tao sẽ đi minh oan cho mày. Và giữ đúng lời hứa của mình, sau khi ra trại “Người vô danh” đã tự mình đi điều tra, làm sáng tỏ sự thật”. Báo Tiền Phong đã có nhiều bài báo thúc đẩy sự việc được nhanh chóng làm sáng tỏ. Nguyễn Sỹ Lý được toà tái thẩm tuyên trắng án, minh oan.

“Nỗi oán hận tưởng chừng kéo dài hàng chục năm, nhưng gần đây báo Tiền Phong đã giúp chúng tôi hoá giải hận thù đó bằng việc tổ chức một cuộc gặp mặt tại nhà tôi. Cuộc gặp mặt đó có “Người vô danh” Cao Tiến Mùi; anh Hồ Hồng Tuyến và Bùi Văn Lai. Bây giờ, chúng tôi coi nhau là bạn” – anh Nguyễn Sỹ Lý kể.

80 phút giao lưu thú vị. Bạn đọc báo Tiền Phong có thêm nhiều thông tin hơn về báo Tiền Phong; hiểu hơn về những nhân vật, những số phận đã gắn bó với tên tuổi báo Tiền Phong. Chính những điều đó đã động viên cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong tiếp tục truyền thống của mình, thêm nhớ ân tình xứ Nghệ.

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.