Ăn Tết với gà... dán tem

Ăn Tết với gà... dán tem
Đẩy mạnh ngăn chặn gà lậu, Hà Nội đồng thời đối mặt với bài toán tự cung tự cấp đủ nhu cầu tiêu dùng gia cầm vào dịp Tết của hàng triệu người dân trên địa bàn.

> Mỗi năm, 8 triệu con gà nhập lậu ‘tuồn’ vào Việt Nam
> Buôn bán gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vỹ giảm

Giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã ký kết với Bắc Giang để cung cấp sản phẩm “gà đồi Yên Thế” trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới.

Thương hiệu được bảo hộ

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thị trường Hà Nội hiện tiêu thụ khoảng 120 tấn gia cầm/ngày, tuy nhiên các cơ sở chăn nuôi và nông dân Hà Nội chỉ bảo đảm sản xuất được hơn 50 tấn/ngày.

Tại chợ Hà Vỹ, mức lưu chuyển khoảng 80-90 tấn/ngày, gần đây giảm xuống còn 50 tấn/ngày do gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị ngăn chặn quyết liệt.

Tuy nhu cầu cao nhưng theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, gà đồi Yên Thế chỉ tiêu thụ “khiêm tốn” 4-6 tấn/ngày. Nguyên nhân là do hệ thống thương mại và người tiêu dùng Hà Nội chưa biết nhiều đến thương hiệu và sản phẩm này.

Dịp cuối năm, nhu cầu về gia cầm càng tăng mạnh, dự kiến Hà Nội cần khoảng 5 triệu con gà trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Do vậy, Hà Nội không khỏi băn khoăn về khả năng đáp ứng của Bắc Giang đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế, với nỗi lo không đủ nguồn cung.

Ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 37 triệu con gia cầm, trong đó, riêng huyện Yên Thế sản xuất từ 13-15 triệu con gà/năm, đạt sản lượng 17.000 tấn gà/năm.

Tại huyện Yên Thế, có hơn 3.000 hộ dân tham gia chăn nuôi gà, hầu hết là chăn nuôi quy mô lớn.

Từ năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm gà đồi Yên Thế. Đây là sản phẩm vật nuôi đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền.

Đáp ứng yêu cầu của người dân về gà có nguồn gốc, đảm bảo an toàn, các ngành chức năng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội qua hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, tăng lượng gà Yên
Thế tiêu thụ tại Hà Nội lên 20-25 tấn/ngày.

Có gà sạch từ 1-2013

Tuy nhiên, khi bài toán về nguồn cung đã có lời giải thì việc đảm bảo gà đúng chất lượng, để người tiêu dùng Thủ đô được sử dụng sản phẩm gà “sạch” cũng là vấn đề nhiều người quan tâm.

Để tránh trường hợp, một số đối tượng lập lờ, đưa gà không đủ tiêu chuẩn chất lượng “đội lốt” gà Yên Thế để cung cấp cho thị trường Thủ đô, Bắc Giang đã chỉ đạo các ngành và UBND huyện Yên Thế kiểm tra, giám sát chất lượng, kiểm dịch, thực hiện gắn tem nhãn mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” cho đàn gà trước khi xuất bán.

Việc này sẽ giúp quản lý chặt chẽ chất lượng đàn gà đến từng hộ chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký. Đồng thời, sẽ ngăn chặn tình trạng găm hàng, đội giá, tranh mua, tranh bán gây hỗn loạn thị trường.

Tỉnh Bắc Giang sẽ chủ động thiết lập, quản lý mạng lưới tiêu thụ. Ông Bùi Văn Hải cho biết, tỉnh sẽ thống kê, lập danh sách, cung cấp thông tin của các thương nhân, hộ chăn nuôi, kinh doanh gà tại Yên Thế cho Hà Nội, Chủ động ngăn chặn, phát hiện kịp thời hành vi lợi dụng gà đồi Yên Thế để vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP.

Tới đây, Bắc Giang sẽ đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội để ổn định đầu mối cung cấp, tăng dần lượng tiêu thụ gà đồi Yên Thế, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm gà ổn định, bền vững cho TP Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.

Bắt đầu từ tháng 1-2013, sản phẩm gắn mác gà đồi Yên Thế sẽ có mặt trên thị trường Hà Nội.

Tranh thủ “cơ hội vàng” đối với người chăn nuôi, huyện Yên Thế đã đồng loạt triển khai tăng năng lực sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thế cho biết, thời điểm tháng 10-2012, tổng đàn gà của huyện khoảng 4,5 triệu con, nhưng chỉ thời gian ngắn tăng đàn, đến nay, huyện có khoảng 6 triệu con.

Dự kiến giá trị sản lượng chăn nuôi gà đồi năm 2012 đạt hơn 1.400 tỷ đồng, những ngày gần đây, giá gà lên cao (82.000-85.000 đồng/kg) càng khiến người chăn nuôi có thêm động lực sản xuất.

Mở cao điểm ngăn chặn gà lậu

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo, từ ngày 27-12 đến hết tháng 2-2013, phải triển khai đợt cao điểm ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không được phép nhập khẩu.

Bộ Tư lệnh Biên phòng chỉ đạo hoặc trực tiếp tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) chỉ đạo hoặc trực tiếp điều tra nắm tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên mua bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới. Khi thấy cần thiết, có thể trực tiếp tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý.

Các tỉnh, thành phố có thể thành lập Đội kiểm soát cơ động liên ngành để kiểm soát gà nhập lậu.

Theo Ngân Tuyền
An ninh thủ đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.