An sinh xã hội là thước đo việc lấy 'Dân là gốc'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 9/10, tại TPHCM, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học Quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Thế Trung – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, cho rằng, quan điểm “Dân là gốc” là một quan điểm lớn, cô đúc bài học của ông cha ta qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Qua hàng nghìn năm lịch sử, quan điểm này ngày càng thấm sâu, đồng thời có sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta.

An sinh xã hội là thước đo việc lấy 'Dân là gốc' ảnh 1

Ông Nguyễn Thế Trung trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Cũng theo ông Trung, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng bổ sung một vấn đề mới, xác định dân là gốc, là chủ thể, là vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, mối quan hệ giữa Dân với Đảng, Đảng với Dân từ xưa đến nay được Đảng ta quán triệt rất sâu rộng. Sức mạnh của Đảng ta cũng ở sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng.

“Mối quan hệ này tác động sâu sắc đến chất lượng, hiệu quả trong việc ban hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đến chất lượng xây dựng hệ thống chính trị, đến chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng…”, ông Trung nhận xét.

Từ mối quan hệ đặc biệt này, theo ông Trung, Trung ương Đảng nên lãnh đạo, chỉ đạo để có nghiên cứu ban hành những cơ chế về mối quan hệ Đảng – Dân, để tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, cũng phát huy quyền làm chủ của người dân, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia giám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

An sinh xã hội là thước đo việc lấy 'Dân là gốc' ảnh 2

PGS.TS Phạm Quang Thao. Ảnh: Ngô Tùng

Cũng bàn về quan điểm “Dân là gốc”, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Dân ở đây chính là 100 triệu dân của đất nước và đội ngũ trí thức nói chung cũng là dân.

Theo ông Thao, để phát huy vai trò của trí thức trong công cuộc xây dựng đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm an ninh – quốc phòng, cần phải tăng cường vai trò của MTTQ, sự chỉ đạo, lãnh đạo của MTTQ và những tổ chức có tính chất chính trị – xã hội cao. Có như vậy, trí thức sẽ phát huy, đóng góp được nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để trí thức cống hiến, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, đồng thời đóng góp, tư vấn những chính sách sát sườn hơn.

“Trong tình hình mới không thể tách trí thức thành một tầng lớp riêng mà phải hòa quyện vào cái chung. Vấn đề này cần được giải quyết thỏa đáng để trí thức phát huy được, không chỉ đề xuất chính sách mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo”, ông Thao nêu ý kiến.

An sinh xã hội là thước đo việc lấy 'Dân là gốc' ảnh 3

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nêu ý kiến. Ảnh: Ngô Tùng

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội – nhìn nhận, quan điểm lấy "Dân là gốc" là quá trình lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi về cơ cấu việc làm, vấn đề an sinh xã hội cho người dân thì cần triển khai hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi.

Khi vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo và người dân sống hạnh phúc, thỏa đáng các nhu cầu, sự gắn bó giữa dân và các cấp Nhà nước sẽ bền chặt hơn. “Đó chính là giải pháp và cũng là thước đo về hiệu quả của việc lấy “Dân là gốc””, ông Lộc góp ý.

Tại hội thảo, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới cho biết, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Có được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “nước lấy Dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Phới, để hiện thực hóa quan điểm này, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có tính tổng thể, bao trùm và liên quan trực tiếp đến lợi ích “thụ hưởng” của mọi người dân; đồng thời, nhấn mạnh thêm về trách nhiệm làm chủ của nhân dân, nêu rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân, gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

An sinh xã hội là thước đo việc lấy 'Dân là gốc' ảnh 4

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

MỚI - NÓNG