Án phạt Quế Ngọc Hải: Nhẹ hều

Với án phạt 6 tháng của VFF, số trận Quế Ngọc Hải không được thi đấu thực tế là không nhiều khi mà V-League 2015 chỉ còn 1 vòng đấu còn mùa giải mới phải sang đầu năm 2016. Ảnh: VSI
Với án phạt 6 tháng của VFF, số trận Quế Ngọc Hải không được thi đấu thực tế là không nhiều khi mà V-League 2015 chỉ còn 1 vòng đấu còn mùa giải mới phải sang đầu năm 2016. Ảnh: VSI
TP - Ngày 18/9, Ban kỷ luật LĐBĐVN (VFF) ra phán quyết phạt 15 triệu đồng, cấm thi đấu 6 tháng tại tất cả các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đối với trung vệ SLNA Quế Ngọc Hải.

Đây là án kỷ luật đối với hành vi vào bóng thô bạo, mang tính triệt hạ của Quế Ngọc Hải nhằm vào cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) ở lượt trận 25 V.League. Quế Ngọc Hải đồng thời phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương của Anh Khoa. Kết quả chụp MRI tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cho thấy, Anh Khoa bị thương rất nghiêm trọng và phức tạp, có khả năng giải nghệ nếu không được chữa trị kịp thời.

Án phạt do Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường ký lập tức gây xôn xao khi được chính thức công bố. Chiểu theo quyết định này, Quế Ngọc Hải sẽ bị nghỉ thi đấu 6 tháng, tính từ ngày 18/9, thời điểm bản án có hiệu lực. Trên thực tế mùa giải 2015 chỉ còn 1 lượt trận duy nhất ở V.League diễn ra cuối tuần này. SLNA hiện cũng không còn mục tiêu nào, một nguyên nhân được cho là đã dẫn đến 1 loạt trận thua “lạ” của đội bóng xứ Nghệ vừa qua.

Hết lượt trận 26, V.League 2015 sẽ kết thúc và các CLB được nghỉ. Nếu mùa giải 2016 khởi tranh vào thời điểm đầu năm như năm nay, Quế Ngọc Hải thực tế chỉ bị nghỉ thi đấu hơn 2 tháng. Đấy là chưa tính trong các tháng 2 và 3/2016, các ĐTQG có thể tập trung và khi đấy V.League sẽ phải tạm hoãn. Nhiều người đã ngạc nhiên vì sao VFF không cấm Quế Ngọc Hải thi đấu theo số trận. Đã có những ý kiến nghi ngờ, VFF thực tế muốn giữ trung vệ SLNA cho ĐTQG, nên đã “du di”. Nếu nhìn vào án phạt do Ban kỷ luật đưa ra, nghi ngờ này là hoàn toàn có cơ sở.

Người ta cũng ngạc nhiên bởi như phát biểu của Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, trọng tài khi xử phạt thì dựa vào tính chất hành vi, chứ không chờ hậu quả tình huống phạm lỗi gây ra. Chiểu theo ý này, chấn thương của Anh Khoa chỉ nên được xem là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ban kỷ luật VFF dù vậy vì lý do nào đó, khăng khăng chờ kết quả kiểm tra chấn thương của Anh Khoa để kết án.

Điểm nặng nhất trong quyết định của VFF có lẽ là việc buộc Quế Ngọc Hải chi trả toàn bộ viện phí cho Anh Khoa, dự báo sẽ rất lớn nếu chiểu theo mức độ chấn thương và cầu thủ này cũng dự tính sẽ sang Singapore điều trị. Tuy nhiên, đây dường như lại là chuyện chưa từng có tiền lệ, không chỉ ở Việt Nam.

Bao giờ chấm dứt bạo lực?

Quế Ngọc Hải là một trung vệ có chuyên môn tốt, nhiều tiềm năng phát triển của SLNA và Việt Nam. Anh từng được ca ngợi trong vai trò thủ quân của U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Giới chuyên môn đánh giá Quế Ngọc Hải có tố chất thủ lĩnh, khả năng phán đoán tình huống tốt, chơi lì lợm.

Trong bóng đá, thi đấu tốt, được khen, thì khi dở bị chê cũng nên lấy làm điều bình thường. Lần này, Ngọc Hải đã quá dở khi vào bóng thô bạo với đồng nghiệp. Theo đánh giá của Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, tình huống vào bóng của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa mang tính triệt hạ. Hướng chân của Hải không nhằm vào bóng mà nhằm thẳng vào đầu gối cầu thủ SHB Đà Nẵng. Lời biện minh chỉ muốn “phá bóng ra ngoài biên” của Quế Ngọc Hải vì vậy không được nhiều người chia sẻ.

Tuy nhiên, với án phạt đưa ra hôm qua, VFF cho thấy họ thậm chí còn có thể dở hơn. Dư luận phải ngạc nhiên, thậm chí té ngửa trước cách Ban kỷ luật liên đoàn “bênh khéo” cầu thủ, thay vì xử nghiêm để đảm bảo tính răn đe.

Kết quả chụp MRI tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng chiều 17/9 cho thấy, Anh Khoa bị chấn thương nghiêm trọng. Cụ thể, cầu thủ SHB Đà Nẵng bị vỡ sụn chêm đầu gối trái, các dây chằng chéo trong, ngoài, trước và sau đều bị rách hoặc đứt, 1 dây gân nơi đầu gối bị tổn thương. Ca chấn thương của Anh Khoa được bác sĩ nhận định là hiếm gặp. Anh Khoa bị cảnh báo phải chữa trị đúng cách và dứt điểm nếu không muốn đối diện nguy cơ giải nghệ sớm.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.