Tiền Phong Online trân trọng giới thiệu bài viết của bạn đọc Văn Phạm (email: phamvan...@yahoo.com, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), như thêm một góc nhìn của bạn đọc về phiên tuyên án bầu Kiên.
Theo các cơ quan tố tụng, đây là một vụ"đại án", với hậu quả vô cùng khủng khiếp cho nền kinh tế. Bằng những chiêu thức, thủ thuật hết sức tinh vi, bàn tay của một mình bầu Kiên đã “che phủ” một góc trời tài chính- chứng khoán ở Việt Nam.
Diễn biến tại tòa cũng cho thấy, với đầu óc thông minh, biết lợi dụng những khe hở trong hệ thống pháp luật cũng như quản lý và giám sát tài chính, nghiệp vụ ngân hàng, bầu Kiên và bộ sậu của mình – thông qua ACB và hệ thống các Cty con- đã thao túng và hưởng lợi với số tiền cả nghìn tỷ đồng; đồng thời, cũng làm “biến mất” hàng trăm tỷ đồng.
Chưa nói đến ai mất tiền, ai không mà chỉ riêng việc đẩy hệ thống ngân hàng vào thế chông chênh, có thể dẫn đến chấn động và đổ vỡ dây chuyền từ các hành vi thao túng ấy, việc làm rõ, đưa ra truy tố trước pháp luật đối với bầu Kiên và đồng phạm có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu muốn giữ ổn định hệ thống kinh tế vĩ mô của nước ta.
Thản nhiên lĩnh án, vì sao?
Những người dự khán ngày cuối cùng của phiên tòa rất ngạc nhiên khi bầu Kiên, bị cáo được xác định "đầu vụ" lại đón nhận bản án 30 năm tù với vẻ mặt thản nhiên. Vẻ thản nhiên ấy, có thể nói lên điều gì?
Phải chăng, ông ta cho là mức án tuyên là hợp lý? Phải chăng, ông ta đã tự “ngộ ra” mà biết chấp nhận thực tế, chấp nhận căn cứ, dấu hiệu mà Tòa đã chứng minh về các hành vi phạm tội của mình?
Có lẽ không đúng, bởi với một con người như bầu Kiên thì hẳn rất khó chấp nhận bản án 30 năm tù nếu như vẫn còn bất cứ một “khe hẹp” nào để ông ta “lách” lý luận của mình vào mà xoáy lại Tòa.
Thế thì, chỉ còn một khả năng là chính phiên Tòa, những lập luận của HĐXX khi “đấu” với bầu Kiên đã không thuyết phục được ông ta mà đã không khiến bầu Kiên “phục” thì bản án tuyên liệu còn có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa chung cho bất cứ ai có ý định xâm hại đến hoạt động bình thường, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế?
Án nhẹ cho các đồng phạm?
Người ta càng băn khoăn hơn khi trong tất cả 8 bị cáo, có tới 6 bị cáo bị tuyên án quá nhẹ so với đề nghị của Viện kiểm sát.
Đó là Nguyễn Thị Hải Yến - 5 năm tù giam (giảm so với đề nghị 7 - 8 năm tù); Trần Ngọc Thanh - 5 năm 6 tháng tù giam (giảm so với đề nghị 9 - 10 năm tù); Lý Xuân Hải - 8 năm tù và cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm (giảm so với đề nghị từ 12 - 14 năm tù); Trịnh Kim Quang - 4 năm tù giam (giảm so với mức đề nghị là 6 - 7 năm tù); Lê Vũ Kỳ - 5 năm tù giam (giảm so với mức đề nghị từ 7 - 8 năm tù).
Vẫn biết nguyên tắc Tòa xét xử độc lập và phán quyết theo đa số. Tuy nhiên, việc Tòa “quyết” giảm 2 – 3 năm tù như với bị cáo Yến hay 4- 6 năm tù như với bị cáo Lý Xuân Hải buộc dư luận không thể không “ngửa cổ hỏi giời”.
Cơ quan điều tra, kiểm sát đã “làm ăn” thế nào mà đến lúc ra Tòa, Tòa lại thấy “cách xa” như thế giữa hành vi phạm tội và hình phạt? Và nếu không phải cơ quan giữ quyền công tố “qua loa cho xong chuyện” thì tại sao Tòa lại “đánh khẽ” đến vậy khi mà hành vi của các bị cáo đều gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Tuyên án quá nghiêm khắc, vượt quá mức độ, hành vi phạm tội thực tế của bị cáo sẽ khiến bị cáo không tâm phục khẩu phục, vui vẻ chấp nhận hình phạt của công lý, kể cả bản án tử hình.
Nhưng, tuyên án mà không khiến bị cáo nhận thức rõ hành vi sai trái của mình hay tuyên án quá nhẹ thậm chí dưới khung quy định thì vừa khiến bị cáo coi thường bản án mà ra bên ngoài, dư luận cũng bớt giảm đi cái sự kiêng dè tính nghiêm minh của luật pháp, nể sợ sự vô tư, khách quan, công bằng của công lý.