Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM, nghệ có chứa hợp chất chống oxi hóa polyphenol curcumin và tinh dầu nghệ có tính kiềm giúp làm giảm nồng độ axit trong dịch vị dạ dày. Nghệ vàng còn giúp làm lành vết loét, mờ sẹo, chống viêm, là một vị thuốc chữa đau bao tử hiệu quả.
JECFA (Ủy ban chuyên gia quốc tế về Phụ gia thực phẩm) và EFSA (Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu) khuyến nghị lượng curcumin trong chế phẩm từ nghệ an toàn ở mức tối đa là 3 mg trên một kg cân nặng người dùng, nếu bạn nặng 50 kg thì mức tiêu thụ tối đa chỉ nên 150 mg curcumin một ngày (tương đương 5 g bột nghệ).
Lượng bột nghệ sử dụng như một gia vị chế biến thực phẩm được xem là an toàn, nhưng nếu liều lượng cao hơn có thể gây bất lợi cho sức khỏe.
"Người tiêu thụ từ 500 mg curcumin (tương đương 15 g bột nghệ) trở lên có dấu hiệu tiêu chảy, nhức đầu, ngứa, sử dụng lâu dài có thể tổn thương gan và tổn thương tế bào", bà Phụng nói. Dùng riêng curcumin qua đường uống sẽ không đem lại lợi ích sức khỏe vì khả năng cơ thể hấp thu curcumin kém, dễ bị đào thải ra ngoài.
Dược sĩ Phụng khuyên chỉ cần tiêu thụ lượng nhỏ bột nghệ hoặc nghệ tươi kết hợp với piperine (chất có trong tiêu đen) để tăng khả năng hấp thu của curcumin vào cơ thể lên đến 2.000%. Sử dụng nghệ tươi hoặc bột nghệ để kho cá, thịt cùng với một chút tiêu đen là đủ để đem lại lợi ích sức khỏe.