Ẩn hoạ trẻ nhỏ rơi từ chung cư, phòng ngừa thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ cháu bé rơi. Ảnh cắt từ clip.
Hiện trường vụ cháu bé rơi. Ảnh cắt từ clip.
TPO - Thiết kế ban công chung cư không đúng quy chuẩn, sự tắc trách của phụ huynh, khiến nhiều trẻ nhỏ rơi tự do dẫn đến kết cục đau lòng. Một số chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng này.

Hàng loạt vụ trẻ em rơi từ chung cư

Khoảng 17h, ngày 28/2, tại tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), người dân hoảng hốt phát hiện một trẻ nhỏ trèo qua lan can sắt ban công căn hộ tầng 12, tòa nhà trên sau đó rơi tự do. Người dân ở tòa kế cận, nhìn thấy sự việc đã hô hoán giúp đỡ cháu bé. Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Mạnh ở gần đó đã nhanh chóng trèo lên mái tôn che sảnh tầng 1 và nhanh tay đỡ bé gái. May mắn, cháu bé được giải cứu kịp thời và đã ổn định sức khoẻ.

Trước đó, ngày 27/5/2017, bé trai khoảng 5 tuổi bị rơi từ tầng 17, chung cư Sky line ở phường Văn Quán, quận Hà Đông và đã tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng xác định, cháu bé tử vong là Đ.T.D (5 tuổi) sinh sống tại tầng 17 chung cư trên.

Tiếp đó, năm 2019, bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 12 của một khu chung cư thuộc quận Bình Tân (TP HCM) xuống đất. Tuy bị đa chấn thương nhưng bé đã được đưa đi cấp cứu và may mắn sống sót.

 Ngày 3/3, một bé trai 5 tuổi tử vong do rơi từ cửa sổ căn hộ 306, tòa nhà Rice City - Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Nguyên nhân được xác định là bé đã trèo lên cửa sổ phòng ngủ không có chấn song và rơi xuống đất.

 Đến tháng 4/2019, bé trai 4 tuổi đã rơi từ tầng 11 xuống phần mái che tầng 1 của tòa chung cư Vina Hud Cửu Long, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và tử vong. Trước đó, cháu bé đã trèo ra cửa sổ và rơi xuống dưới trong lúc bố mẹ cháu bé không có ở nhà và đóng cửa chính.

 Đến tháng 6/2019, một bé gái 6 tuổi trèo ra ban công tầng 14 của tòa nhà CT1-B2, Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông và không may rơi xuống mái tôn tầng 2. Do chấn thương quá nặng, bé gái đã không qua khỏi. Khi sự việc xảy ra, bé gái đang ở nhà một mình và gia đình không lắp lưới an toàn ban công.

 Qua những sự việc đau lòng trên cho thấy, hàng loạt vụ trẻ ngã từ tầng cao chung cư xuống đất có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ đơn vị xây dựng đến ý thức của người dân sống ở chung cư.

Chuyên gia nói gì?

Ẩn hoạ trẻ nhỏ rơi từ chung cư, phòng ngừa thế nào? ảnh 1 Cháu bé tại bệnh viện. Ảnh: T.L
  1.  Trao đổi với Tiền Phong, kỹ sư Đỗ Văn Toan - Giám đốc Công ty CP Toàn Cầu cho biết: Theo tiêu chuẩn kỹ thuật QCXDVN 05:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành quy định “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe”, trong đó quy định lan can, rào chắn của các công trình cao từ 9 tầng trở lên phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m).

 Ngoài ra, các lan ban công phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 10cm. Thêm vào đó, các gia đình cần bổ sung lưới an toàn, có cấu tạo để trẻ em không trèo qua lan can.

 Đối với cửa sổ, phải có chấn song hoặc lưới an toàn, chiều cao từ mặt sàn lên bậu cửa sổ từ 1,6m trở lên. Hiện, tồn tại một số chung cư, không đảo bảo quy định, nhưng khi nghiệm thu công trình, lỗi về lan can ban công, cửa sổ… không đạt chuẩn thường được bỏ qua. Chính điều này đã gây ra nguy hiểm cho người dân khi sống trên các căn hộ chung cư, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, anh Toan nói.

 Liên quan đến sự việc trên, Kiến trúc sư Bùi Văn Hiệp - Giám Đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng HLC cho rằng, quan sát của chúng tôi nhận thấy, nhiều chung cư ở Hà Nội không đảm bảo quy định về thiết kế ban công, đặc biệt là các chung cư cũ, chung cư xây dựng trước khi tiêu chuẩn kỹ thuật QCXDVN 05:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực.

 Đặc biệt, nhiều chung cư lan can không đủ chiều cao quy định và không có lưới chắn an toàn, các ô thoáng không có lan can sắt để bảo vệ. Một số chung cư có lắp đặt thêm hệ thống lưới bảo vệ tại cửa sổ và ban công. Tuy nhiên việc lắp đặt này chưa thực hiện đồng loạt, nên những tai nạn đau lòng vẫn tiếp xảy ra. Theo đó, để đảm bảo an toàn tại các căn hộ chung cư, nhà cao tầng có trẻ nhỏ, các gia đình nên lắp lưới an toàn, anh Hiệp nói.

 Lưới làm bằng cáp inox, bên ngoài có bọc nhựa, nên đáp ứng được yếu tố an toàn và thẩm mỹ. Hơn nữa, khi xảy ra cháy nổ, người bị nạn chỉ cần dùng kìm cộng lực cắt một số dây là có thể thoát ra ngoài, không bị chặn cụt đường thoát như dùng các loại chấn song.

Trong khi đó, TS. Bs Lê Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa - BV Nhi Trung ương cảnh báo tai nạn nhà cao tầng, kể cả khi có người lớn ở nhà phải liên tục chú ý đến con, không để con chơi một mình. Không nên để các vật dụng như máy giặt, tủ, kệ, bàn ghế ở gần lan can, cửa sổ, tránh trường hợp trẻ có thể trèo lên và ngã ra ngoài. Khi mua căn hộ chung cư, các gia đình nên lưu ý kiểm tra lan can ban công, cửa sổ đã đúng tiêu chuẩn xây dựng hay chưa.

 Không chỉ ở các chung cư, mà ở các khu vui chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng phải chú trọng đến việc xây dựng lan can, lắp đặt rào chắn hành lang, ban công, cầu thang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.