Ẩn họa làm đẹp cuối năm

Một BS đang tư vấn túi ngực cho phóng viên. Ảnh: U.P.
Một BS đang tư vấn túi ngực cho phóng viên. Ảnh: U.P.
TP - “Làm một lần đẹp suốt đời”, “Công nghệ 4D sẽ giúp cuộc phẫu thuật trở nên nhẹ nhàng...”, khuyến mãi giảm giá từ 50%, thậm chí 90%. Đó là những chiêu mà các thẩm mỹ viện (TMV) tung ra  để lôi kéo khách hàng đến làm đẹp dịp cuối năm, nhưng thực chất ra sao?

Đặt lịch sớm, khuyến mãi nhiều

Nhân viên TMV M.M (Nguyễn Trãi, Q.1) quảng cáo với chúng tôi kỹ thuật nâng ngực hiện đại nhất, chỉ M.M mới có: “Nâng ngực công nghệ 4D của Hàn Quốc, không chỉ khôi phục lại bộ ngực nhỏ, chảy xệ, nhăn nheo của phụ nữ mà còn giúp bạn có bộ ngực lớn hơn, căng tròn và đẹp hơn rất nhiều”. Khi hỏi giá, nhân viên báo 80 triệu, nhưng do đang có chương trình chào năm mới, giá sẽ giảm 50%. Cô này đốc thúc tôi đặt cọc giữ chỗ, vì số lượng có hạn.

Tại cơ sở làm đẹp V. (Hai Bà Trưng, Q.3), khi tôi muốn xăm môi, mắt, nam nhân viên bối rối: “Bên em làm tất tần tật từ nâng mũi, gọt cằm, độn ngực, nâng mông… còn xăm thì ít lắm”. Thấy vậy, tôi định ra về nhưng nhân viên cố giữ. “Tuy không chuyên nhưng em vẫn có những cơ sở liên kết, chị đến gặp cô Ng. ở chợ Bàn Cờ (Q.3), nói em giới thiệu sẽ được giảm giá 50%”.

Bằng những ngôn từ rất “kêu”, các trung tâm, TMV nào cũng tự nhận mình là “nơi đầu tiên chuyển giao công nghệ mới nhất của Hàn Quốc”, “là nơi duy nhất tại Việt Nam hợp tác trao đổi kinh nghiệm với nhiều nền công nghệ thẩm mỹ tiên tiến, “TMV hàng đầu Việt Nam”, “uy tín số 1 Việt Nam”, “đẳng cấp quốc tế”, “là nơi quy tụ những bác sĩ kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, được tu nghiệp ở những nước có công nghệ làm đẹp hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật...”, “đội ngũ bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu Việt Nam”, “thương hiệu thẩm mỹ Hàn Quốc uy tín số 1 tại Việt Nam”... Những nơi này luôn đáp ứng mọi nhu cầu của khách từ nhấn mí, nâng mũi đến gọt hàm, gọt mặt, nâng ngực, độn mông, hút mỡ…

Những năm gần đây, lượng Việt kiều về Việt Nam làm đẹp ngày càng tăng. Bà Nguyễn Thị Mận (50 tuổi, Việt kiều Mỹ) bộc bạch: “Lần nào tôi về Việt Nam thăm nhà cũng tranh thủ đi trùng tu nhan sắc. Ở đây giá rẻ rất nhiều so với bên đó. Dù có mác Việt kiều vậy chứ ở bên đó tôi cũng thất nghiệp, sống nhờ trợ cấp chính phủ nên làm gì có tiền vào TMV ở Mỹ”.

TMV L. (Kỳ Đồng, Q.1) tung ra chương trình “Cơn lốc giá sốc”, giảm 50% cho tất cả các dịch vụ hút mỡ bụng. Vừa điền các thông tin cá nhân, chị Thanh (ngụ Q. Bình Thạnh) ngạc nhiên khi nhân viên tư vấn cho biết: “Mỗi ngày em sẽ lựa trong danh sách đăng ký hút mỡ để khuyến mãi cho một người”. Chị Thanh bất ngờ: “Vậy không phải ai cũng được giảm giá sao?”. “Dạ không. Sáng nay em đã giảm giá cho một chị đến hút mỡ rồi. Hay giờ chị đăng ký thêm dịch vụ hút mỡ đùi và bụng đi, em sẽ đăng ký danh sách cho chị đầu tiên trong sáng mai”, nhân viên tư vấn mời mọc.

Không chỉ các TMV, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mà trong nhiều con hẻm, các tiệm uốn tóc, dịch vụ xăm lông mày, tẩy nốt ruồi bằng axít… cũng giảm giá để đánh vào tâm lý “ít tiền vẫn đẹp” của chị em, và không ít chị em… sập bẫy.

Phó mặc hên - xui

Thực tế cho thấy, các trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) trên địa bàn TPHCM xảy ra không chỉ ở các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” mà còn có cả các cơ sở khá uy tín, được cấp phép.

Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 7 đến 9/2017, TPHCM đã xảy ra 3 vụ tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ làm 2 người tử vong, 1 người đang sống thực vật, cùng rất nhiều ca mà bệnh nhân phải mang tật suốt đời.

Thai phụ S.B.T (22 tuổi, ngụ H.Hóc Môn), tử vong sau nâng ngực ở Bệnh viện Vạn Hạnh (Q.10), người thực hiện là một bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Nguyên nhân tử vong là do người nhà giấu bệnh nạn nhân trước phẫu thuật, còn bác sĩ thì chủ quan.

Một nạn nhân khác là ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ), tới Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành (Q.10) để hút mỡ bụng, bị biến chứng và tử vong ngay sau đó. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện cơ sở này phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật phê duyệt, công tác khám chữa bệnh không bảo đảm an toàn.

Mới đây, phụ nữ tên T.T.Đ (39 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) đến thẩm mỹ viện Emcas (quận 10, TPHCM) để gọt cằm, bất ngờ bị tai biến rơi vào tình trạng hôn mê, hiện trong tình trạng sống thực vật.

Đầu tháng 1/2018, một cô gái 23 tuổi đã khởi kiện một cơ sở thẩm mỹ tại Q.6, cho rằng, việc tiêm chất nâng mũi là nguyên nhân dẫn đến mắt trái của cô gái này bị hỏng hoàn toàn.

Số liệu từ Sở Y tế TPHCM cho hay, hiện có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ. Từ cuối tháng 8 đến nay, qua kiểm tra 143 cơ sở, phòng khám thẩm mỹ, Sở phát hiện 93 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 55 cơ sở với tổng số tiền gần nửa tỷ đồng.

Ông Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện vẫn còn tình trạng người thực hiện khám chữa bệnh chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề chưa phù hợp với chuyên môn được cấp; quy trình khám, thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ chưa có; các biểu mẫu thực hiện trong hồ sơ bệnh án chưa thống nhất nên khó khăn trong thanh tra, kiểm tra. Có nơi tự thay đổi điều kiện cơ sở vật chất, diện tích, bố trí lại, tăng thêm phòng tiểu phẫu, phòng cắt chỉ, phòng lưu…

“Chúng tôi đã kiến nghị, tham mưu Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định trong xử phạt. Chẳng hạn, hiện chưa có quy định xử phạt khi các cơ sở y tế đăng thông tin không đúng sự thật trên website, trang mạng xã hội. Trong năm 2018, lực lượng thanh tra sẽ kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện các tồn tại, xử lý đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; kiểm soát việc cấp phép nội dung quảng cáo các dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ trên website, Facebook, Zalo…” - ông Trạng cho hay.

Đụng đâu sai đó

Theo Sở Y tế TPHCM, khi kiểm tra Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Whiet Palace ở đường Tân Mỹ, quận 7, cơ quan chức năng phát hiện đơn vị này hoạt động có biển hiệu ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ; không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh và lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, kiểm tra mỹ viện Thanh Bình ở 88-88A-90-90A đường Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, do ông Nguyễn Thanh Bình đứng tên, phát hiện cơ sở này không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật và không tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Tại phòng khám thẩm mỹ Thiện Mỹ còn quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Khi kiểm tra Công ty TNHH Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế VIP ở 287A Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thanh tra Sở Y tế phát hiện dù cơ sở có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động và không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động. Thanh tra Sở Y tế cũng phát hiện tại phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ Hàn- Việt ở 244A Pasteur, phường 6, quận 3, không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động nhưng vẫn tham gia khám và phẫu thuật...

Tại Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ Nhân của ông Nguyễn Quốc Việt ở 177/27 đường 3/2, phường 11, khi kiểm tra ngoài việc không lập hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật thì cơ sở không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động.

Trước những vi phạm trên, Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục sai phạm.

Ths.BS Nguyễn Văn Thanh - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ BV Nhân dân 115:

Bát nháo bằng cấp

Ngành thẩm mỹ thế giới chia làm hai nhóm: thẩm mỹ nội khoa yêu cầu phẫu thuật viên thẩm mỹ phải được đào tạo chuyên sâu bằng kiến thức da liễu và nội khoa; còn thẩm mỹ ngoại khoa yêu cầu mỗi phẫu thuật viên trước tiên phải là một BS ngoại khoa. Trong khi đó tại các TMV ở Việt Nam, một BS thẩm mỹ chuyên ngành này lại trực tiếp thực hiện cả những dịch vụ thẩm mỹ thuộc chuyên ngành khác, số khác nghiễm nhiên trực tiếp phẫu thuật khi chưa qua đào tạo bất cứ chuyên ngành nào.

Theo quy định, một BS muốn được cấp giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải công tác tối thiểu 54 tháng ở chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc một bệnh viện công, còn những BS công tác thời gian tối đa 18 tháng chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dưới sự theo dõi, cho phép của người có giấy phép hành nghề.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM:

Khó phát hiện sai phạm

Sở Y tế vẫn thường xuyên thành lập các đoàn hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở, các y bác sĩ, đồng thời kiểm tra chất lượng, giấy tờ của các y, bác sĩ thực hiện chuyên ngành. Tuy nhiên, đối với các phòng khám thực hiện ngoài danh mục được cấp phép thì không dễ dàng phát hiện trong một sớm một chiều. Nếu các đơn vị này cố tình đối phó thì cũng rất khó có thể phát hiện sai phạm. Vì vậy, Sở Y tế mong có sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí và người dân, bằng cách phản ánh đến đường dây nóng để có sự thanh tra và xử lý kịp thời. Cái khó trong công tác thanh tra là trước khi đi chúng ta phải thông báo bằng văn bản theo luật doanh nghiệp. Như vậy trừ khi phát hiện có hành vi vi phạm mới lập đoàn thanh tra đột xuất, vào đơn vị.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.