Ấn Độ thất bại trong phát triển tăng nội địa?

Ấn Độ thất bại trong phát triển tăng nội địa?
Dù đã có tăng Arjun MK-I và MK-II, nhưng việc Ấn Độ đang tìm kiếm phát triển dòng tăng mới cho thấy sự thất bại trong phát triển tăng nội địa này.

Quân đội Ấn Độ vừa đưa ra yêu cầu mời thầu nhằm thu hút các công ty quốc phòng trên thế giới tham gia phát triển một loại xe quân sự tương lai (FRCV) tối tân.

Thư yêu cầu mời thầu cũng có thể sẽ là bản án tử cho dự án xe tăng sản xuất trong nước Arjun MK-I của Ấn Độ, một mẫu xe được thiết kế kém với quá nhiều lớp giáp bảo vệ nhưng động cơ không đủ khỏe, và đã gặp phải rất nhiều vấn đề trong việc sản xuất và thử nghiệm. Phần lớn 80% trong số 124 đội xe tăng Arjun MK-I đã bị ngừng sử dụng do hơn 90 lỗi kỹ thuật khác nhau.

Trên thực tế, những chiếc xe tăng Arjun có giá thành khá cao bởi Ấn Độ chưa thể làm chủ được những công nghệ chủ đạo. Khi mới được đưa vào biên chế năm 2004, những chiếc Arjun được hoàn thành với 50% bộ phận được nhập khẩu, gồm động cơ, bộ truyền dẫn, nòng pháo, bánh xích và hệ thống kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã nỗ lực nghiên cứu để thay thế những chi tiết nhập khẩu bằng chính sản phẩm được sản xuất nội địa, nhằm giữ thế chủ động trong việc chế tạo loại xe tăng Arjun.

Dù đạt được những thành công không nhỏ nhưng dự án chế tạo xe tăng Arjun của Ấn Độ liên tiếp bị chậm trễ, vượt ngân sách nhiều lần. Sự ra đời của những công nghệ mới kèm theo những yêu cầu ngày một cao của quân đội buộc các nhà sản xuất Arjun phải liên tục thay đổi để đáp ứng, kéo theo sự chậm trễ của loại tăng Arjun.

Theo dự tính ban đầu, khoản tiền dành để nghiên cứu Arjun chỉ vào khoảng 2,8 triệu USD (năm 1974) nhưng nó nhanh chóng chạm ngưỡng 54,3 triệu USD vào năm 1995 mà vẫn còn dang dở.

Vì vậy, ngoài lý do về kỹ thuật, việc tăng Arjun bị Ấn Độ "khai tử" và tìm kiếm phát triển dòng tăng mới còn xuất phát từ nguyên nhân kinh phí quá cao để phát triển dòng tăng nội địa này.

Theo thông tin được Ấn Độ công khai, phiên bản tăng Arjun MK II của Ấn Độ hiện có mức giá thuộc top đầu thế giới (khoảng 6,6 triệu USD/chiếc).

Về cơ bản, Arjun MK II có một pháo cỡ nòng 120mm cùng một súng máy đồng trục 12,7mm. Nó sử dụng động cơ đơn MTU với khả năng sử dụng nhiều nhiên liệu nhưng chủ yếu là dầu diesel với công suất 1.400 mã lực.

Động cơ này cho phép nó di chuyển với tốc độ tối đa 70km/h trong khi vẫn duy trì vận tốc 40km/h khi vượt qua những địa hình không bằng phẳng.

Để vận hành cỗ xe tăng cần 4 người, gồm chỉ huy, xạ thủ, lái xe và người nạp đạn. Ngoài ra, xe tăng Arjun MK II còn được trang bị hệ thống phát hiện cháy và cứu hỏa tự động cùng Hệ thống Phòng vệ Vũ khí Hạt nhân, Hóa học và Sinh học (NBC) do Ấn Độ nghiên cứu chế tạo.

Ngoài ra, xe còn được trang bị lớp vỏ thiết giáp Kanchan giúp nó chống được nhiều loại đạn từ đối phương. Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến Arjun MK II được đánh giá là xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 3.

Theo Theo baodatviet.vn
MỚI - NÓNG