Ấn Ðộ nhắm đến vũ khí Nga dù Mỹ gây sức ép

Ấn Ðộ nhắm đến vũ khí Nga dù Mỹ gây sức ép
TP - Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ đã bật đèn xanh cho hợp đồng mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga, cho dù Mỹ đã cảnh báo về “hậu quả tiềm tàng”, RT đưa tin.

Sau một thời gian “cân nhắc”,  Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã đệ trình thỏa thuận trị giá 5,7 tỷ USD lên chính phủ nước này để thông qua bước phê chuẩn cuối cùng là Bộ Tài chính và Văn phòng thủ tướng, các nguồn tin nói với Times of India.

“Thương vụ S-400 đang chờ Bộ  Tài chính và Ủy ban An ninh do Thủ tướng  Ấn Độ đứng đầu, phê chuẩn”, nguồn tin từ Hội đồng mua bán quốc phòng nói.

Theo RT, New Delhi  đang xúc tiến các bước tiếp theo để mua 5 hệ thống phòng không S-400, dù Mỹ phản đối kịch liệt. Thỏa thuận mua bán, được thương thảo trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin vào tháng 10/2016, đã gây ra những đồn đoán rằng có thể Mỹ thông qua một lệnh cấm vận theo cái mà phía Mỹ gọi là Luật Chống kẻ thù của nước Mỹ thông qua cấm vận, nhằm ngăn cản các nước mua vũ khí Nga.

Hồi tháng Năm, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ Mac Thornberry “khuyên” Ấn Độ nghĩ lại, vì “bất cứ nước nào mua hệ thống đó (S-400) sẽ tự làm phức tạp hóa khả năng tương tác” với quân đội Mỹ.

Hiện trong quân đội Ấn Độ tồn tại nhiều hệ thống vũ khí với xuất xứ khác nhau: phương Tây, Nga, tự sản xuất.

Việc S-400 đắt hàng ở nhiều nơi đang khiến Washington cảm thấy lo lắng vì nó giúp nâng cao khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận, ngay cả đối với một vài đồng minh của Mỹ trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, nước công khai bày tỏ mong muốn mua S-400 bất chấp sự phản đối của Washington.

S-400 Triumf là hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga được Kremlin cho phép xuất khẩu. Nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu bay với tầm tác chiến 400km, tên lửa đạn đạo từ khoảng cách tới 60km. Bệ phóng của S-400 có thể bắn ít nhất là 4 loại tên lửa đánh chặn, phù hợp với nhiều loại mục tiêu. Một hệ thống S-400 có thể cùng lúc theo dõi tới 36 mục tiêu. 

S-400 Triumf do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz của Nga thiết kế. Ðây là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời. Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm bốn loại tên lửa mới cho hệ thống.

MỚI - NÓNG