An cung ngưu hoàng hoàn: 'Thần dược' hay thuốc độc?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Các bác sỹ cảnh báo, trong số những ca nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, không ít người 'gặp hoạ' do uống An cung ngưu hoàng hoàn.

GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.

Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị.

Vấn đề nữa là tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ. Trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết đã từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.

An cung ngưu hoàng hoàn: 'Thần dược' hay thuốc độc? ảnh 1

Còn theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Đông y, BV T.Ư Quân đội 108, ACNHH là một trong những loại thuốc rất quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên, đây là loại thuốc “bệnh” của Đông y có sức công phá mãnh liệt chứ hoàn toàn không phải dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Ảnh minh hoạ: Internet

PGS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai chia sẻ, ông đã tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ được người nhà cho uống ACNHH trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, không cứu được người bệnh. “Nếu cứu được thì não cũng đã bị di chứng nặng, sống thực vật” - PGS.TS Nguyễn Gia Bình nói. Theo sự đồn thổi về loại “thần dược” ACNHH có tác dụng trong phòng và ngừa đột quỵ hiệu quả khiến nhiều người lưu trữ trong nhà, coi đây là lá “bùa hộ mệnh” khi có tai biến. Không ít người đã ngậm ngùi vì người thân không qua khỏi, sống thực vật vì tin tưởng ACNHH.

Lương y Trần Văn Quảng - Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã chứng kiến người nhà mình bị hôn mê bất tỉnh, được cho uống thuốc ACNHH ngay, nhưng hai hôm sau vẫn tử vong. Theo lương y Quảng, ACNHH là thuốc trị đột quỵ mà Đông y gọi là thống phong nhưng không phải ai cũng dùng được, người bệnh bị nhiệt bế mới nên dùng, còn hàn bế thì dùng rất nguy hiểm. Hơn nữa, thuốc chỉ có tác dụng khi bị tai biến nhẹ, nếu dùng ngay có thể sẽ qua khỏi, nếu bệnh nặng, thuốc không có tác dụng.

Còn theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Đông y, BV T.Ư Quân đội 108, ACNHH là một trong những loại thuốc rất quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên, đây là loại thuốc “bệnh” của Đông y có sức công phá mãnh liệt chứ hoàn toàn không phải dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hậu quả sẽ khó lường.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.