Nơi có những “căn nhà biết đi”
Từ trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), thầy Lê Công Tấn liên tục điện thoại về, hỏi đủ thứ. Từ cách sắp xếp chỗ ngồi cho các em học sinh 4 huyện phía đông nam tỉnh đến nhận học bổng Đọt Chuối Non; cách bố trí nơi ăn và nghỉ trưa cho khối học sinh lớp một được chương trình “Cơm có thịt Tây Nguyên” hỗ trợ mở bếp ăn tại trường; cách tiếp đón các quan khách từ xa về...
“Đây là lần đầu tiên trường được tiếp đón nhiều khách quý như vậy, nên mình lo lắm. Nghe tin con em được tài trợ ăn “Cơm có thịt” tại trường từ giờ tới cuối năm học, cả trăm phụ huynh đã tự nguyện đến giúp trường cuốc đất trồng rau, nhổ cây trên rẫy về trồng trong sân trường cho xanh mát hơn. Nhiều người không có con em học ở trường cũng hăng hái tham gia, vì đồng bào Bana làm gì cũng hô cả làng theo cùng”. - Thầy Tấn vừa nói vừa nhắn qua Zalo cho tôi xem hình ảnh đồng bào tấp nập giúp trường dựng bếp, trồng cây, tưới rau.
Pờ Tó là xã vùng sâu, thời chiến tranh là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai, tới nay Pờ Tó vẫn là một trong những xã xa xôi heo hút, nghèo nhất tỉnh. Tuy nhiên Pờ Tó lại có một lãnh đạo khá đặc biệt. Ông Lê Trọng Nam - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã vốn là cựu chiến binh đã tổ chức cho gia đình tham gia tổ chức hợp tác xã hiệu quả. Từ cánh đồng trồng mía năng suất cao được cơ giới hóa hầu hết các quy trình đem lại lợi nhuận đáng kể, ông đã dùng tiền túi đi các nước Lào - Nga - Campuchia - Thái Lan, học được nhiều điều rất thiết thực về quy hoạch và kết hợp nông - thương nghiệp để nghiền ngẫm, tìm cách ứng dụng các bài học này vào điều kiện cụ thể tại Pờ Tó.
Tháng 9/2018, trực tiếp đưa đại diện báo Tiền Phong đi khảo sát thực tế để mở bếp “Cơm có thịt” cho trò nghèo xã nhà, ông Nam xung phong ủng hộ 10 triệu đồng “để làm gương” thuyết phục các nhà tài trợ khác vào cuộc. Ông Nam cho biết, với 7.000 dân, xã có tới 2/3 đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó 99% người Bana, còn lại là J’rai, Tày, Kinh. Đây là nơi mà để tách hộ, lập làng, đến bây giờ đồng bào vẫn “nhổ” nguyên cả căn nhà sàn, cả trăm người cùng ghé vai vào gánh nhà cũ sang mảnh đất mới, trông như những căn nhà biết đi. Từ UBND xã Pờ Tó, ông Nam gọi, báo tin xã đã sắp xếp đâu vào đó để cùng trường Đinh Núp chăm lo cho sự kiện sắp tới thật chu đáo.
“Nghe tin cùng báo Tiền Phong về trường trao học bổng Ðọt Chuối Non và mở bếp “Cơm có thịt” (lần này có cả nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang đi cùng) cả trường xôn xao. Ai cũng tỏ ra hồi hộp mong chờ. Còn em bây giờ mới biết dân tộc J’rai mình cũng có ca sĩ vừa nổi tiếng vừa yêu quê hương như vậy, tự hào lắm!”.
Cô Rơ Chom H’Buy nói
Góp công, góp của, góp cả máu
Gặp PV Tiền Phong ngay trước dãy phòng học có khoảnh sân đọng nước nhem nhép sình lầy, cô Rơ Chom H’Buy người J’rai sinh năm 1992, nhà ở tận xã Ia Rbol (thị xã Ayunpa) cách trường Đinh Núp khoảng 50km kể: Trước đây, mỗi ngày cô mất tới 2 tiếng 40 phút để đi đến trường, và từ trường về nhà bằng xe máy. Sắp tới, cô cùng hàng chục giáo viên khác lại thêm việc lo cho học trò 2 làng Bi Dông, Bi Da ăn nghỉ bán trú tại trường, nên càng phải đi sớm về trễ, nhưng ai cũng vui mừng thấy trò nghèo của mình được giúp đỡ.
Ở tỉnh Đắk Lắk, cả 5 điểm sắp diễn ra sự kiện Chủ Nhật Đỏ 2019 do báo Tiền Phong tổ chức cũng rộn ràng bàn tính cách huy động khoảng 6.000 tình nguyện viên, để hiến khoảng 3.500 đơn vị máu trước Tết này với đội hình “khí thế” nhất. Lãnh đạo các xã của huyện Ea Kar trước đây từng có kinh nghiệm tổ chức đoàn Chủ Nhật Đỏ theo “màu cờ sắc áo” thì tự tin chuẩn bị trang phục truyền thống các dân tộc. Còn huyện vùng sâu Krông Năng lần đầu đăng cai thì tìm hiểu tỉ mỉ: Mặc áo thổ cẩm tay dài có khó lấy máu không? Backdrop căng ở mảng tường nào để chụp ảnh quay phim cho đẹp? Mỗi đơn vị bầu chọn bao nhiêu cá nhân, tập thể xuất sắc để được vinh danh, khen thưởng?
Nhiều chuyến xe liên tục chở hàng đến, Văn phòng Ban đại diện phải thuê thêm nhân công để bốc vác cả tấn sách và những suất cà phê làm quà tặng đến từ tập đoàn Trung Nguyên Legend, cả tấn đường đến từ tập đoàn TH. Rồi những thùng phướn, băng rôn, backdrop để trang trí từ Công ty Truyền thông và Tổ chức sự kiện Pro; thùng đựng các biểu mẫu in màu rất đẹp từ Công ty Thiết kế Quảng cáo Mặc Vi; thùng xếp túi đựng quà và khung bằng khen từ Công ty TNHH In Công Nghệ Việt v.v... Những tập thể, cá nhân đồng hành với báo Tiền Phong nhiều năm trong tổ chức các hoạt động thiện nguyện đã và đang tiếp tục hỗ trợ Tiền Phong mang hơi ấm tình người đến những nơi nghèo khó, xa xôi trên vùng đất Tây Nguyên.