Ẩm thực đông khách hơn di sản

Không gian ẩm thực Huế tại ngày hội di sản. Ảnh: Hải Trần
Không gian ẩm thực Huế tại ngày hội di sản. Ảnh: Hải Trần
TP - Công chúng đến Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội) dịp Ngày Di sản VN, dễ ấn tượng với gian ẩm thực hơn những gian trưng bày vắng khách.

> Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp với Ngày di sản Việt Nam

Không gian ẩm thực Huế tại ngày hội di sản. Ảnh: Hải Trần
Không gian ẩm thực Huế tại ngày hội di sản. Ảnh: Hải Trần.

BTC kỳ vọng Ngày Di sản lần thứ 7 là dịp tôn vinh 6 tỉnh Bắc Trung bộ, với đủ hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ thuật phủ kín ba ngày hội. Chưa kể ở bốn điểm đông du khách quốc tế: Đình Kim Ngân (Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (Mã Mây), Trung tâm thông tin phố cổ (Hàng Buồm) và Đồng Đình Lạc (Hàng Đào), đậm không gian văn hóa Việt qua giao lưu, triển lãm tranh ảnh. Hà Nội đóng góp bằng lễ rước tổ nghề của làng Sơn Đồng sáng 22-11. Tâm điểm là Ngày về nguồn 23-11, với Đêm Di sản văn hóa Bắc Trung Bộ truyền hình trực tiếp.

Kỳ vọng thực lớn, nhưng hiệu quả từ những hoạt động triển lãm, trưng bày hình thức, khô cứng được chẳng là bao. Không gian triển lãm dàn trải khắp khu trưng bày, nhưng đọng lại nhất vẫn là khu ẩm thực. Ngay bên trái cổng trung tâm là quầy lớn dành cho lễ hội bia Huế, bên cạnh là khu ẩm thực Huế và xứ Thanh.

Người Huế dễ dàng lựa chọn, mang tới không gian ẩm thực cung đình, trình bày cầu kỳ, nhân viên phục vụ bận áo dài, khăn đống. Xếp cùng khu này, ẩm thực xứ Thanh đơn giản hơn chỉ với đặc sản nem chua và loại bánh răng bừa đặt trên nồi hấp khói nghi ngút.

Tiếng là tôn vinh di sản 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhưng công chúng có cảm giác văn hóa Huế chiếm thế độc tôn. Ngoài gian ẩm thực cung đình do một khách sạn 4 sao ở Huế phục vụ, món ăn dân dã: bánh lọc, bánh nậm, bún Huế… còn được dành hẳn một khu nằm bên phải khu trung tâm trưng bày, cũng người ra người vào không ngớt. Tuy vậy, chừng đó chưa đủ phong phú để được coi là giới thiệu tinh hoa ẩm thực. Chưa kể, tìm được đồ uống cũng không dễ dàng, dường như người ta chỉ cốt tiêu thụ bia.

Màu sắc Huế không chỉ nổi trội ở phần ẩm thực, khu trưng bày nằm ngay tay phải sân khấu chính đập vào mắt khách thăm quan với đủ nét đặc trưng: nón Huế, sen lụa, không gian nhà rường. Vị trí đẹp, đơn vị chuẩn bị có phần chăm chút không gian trưng bày, nên dễ bề lấn lướt không gian giới thiệu di sản các tỉnh bạn.

Khu di sản Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An cũng lại những hình thức trưng bày không mới: thư pháp, tranh ảnh… khó níu bước chân người xem. Riêng Hà Tĩnh có đặc sản kẹo cu đơ được chào đón. Không gian hội hè di sản, quảng bá du lịch này, qua hàng chục lần tổ chức tại trung tâm này chỉ chừng ấy chiêu trò.

Khu dành cho di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) nằm trên tầng 2 quá thưa vắng. Không gian rộng lớn chia làm hai, một nửa giăng ảnh Phong Nha - Kẻ Bàng, nửa còn lại là di sản mới được UNESCO công nhận - Thành nhà Hồ.

Trên bàn thông tin có đặt ít tờ rơi quảng bá di sản vắn tắt, ít băng đĩa quảng bá du lịch cho tỉnh, cắt đặt cả nhân viên sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc. Nhưng không gian rộng, im ắng, thưa vắng người thế này kể cũng khó lòng quảng bá di sản hiệu quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG