Trần Văn Út (ở giữa) và các bạn hào hứng khoe tấm vé vào sân Prince. Ảnh: Thanh Hải |
“Anh có vé không anh?”, một người bỗng kéo tay tôi ở bên ngoài sân Olympic trước loạt mở màn môn bóng đá nam SEA Games 32. Hỏi tại sao biết tôi là người Việt, anh nói “biết chớ, người Việt mình nhận ra liền à”.
Theo một cách khá vi diệu, chúng tôi thân thiết ngay lập tức. Anh nói mình tên Trần Văn Út, gốc Tây Ninh nhưng sinh ra và lớn lên ở Campuchia, khu vực mà người Việt ở Phnom Penh gọi là “Cầu Sài Gòn” (Chba Om Pau theo tên gốc Campuchia). Bằng giọng Tây Ninh chính hiệu, Út chia sẻ đang rơi vào cảnh thất nghiệp, tạm thời làm thợ hồ cho công ty của một người em. “Mấy năm nay kiếm việc khó lắm anh, thu nhập cũng bấp bênh, em cũng không biết sao nữa”, chàng trai mới ngoài 30 tuổi nhưng có gương mặt khắc khổ, sạm đen vì cái nắng Campuchia nói.
Vậy sao lại ở đây, tôi hỏi. Út cười ngượng nghịu, “vì mê bóng đá quá anh ơi”. “Mọi trận đấu của Campuchia và Việt Nam em đều cố gắng đi xem hết”, anh nói đầy hào hứng, “như hồi năm ngoái Việt Nam mình qua đây đá (giải U23 Đông Nam Á), em không bỏ trận nào. Mà hồi đó có công việc ổn định, em phải mua vé VIP mới chịu, xem đã lắm. Lúc Dụng Quang Nho nâng Cúp, em đang tính nhẩy xuống sân nhưng bảo vệ không cho, lại phải trèo lên”.
Không phải cầu thủ Việt Nam nào Út cũng biết, nhất là lứa U22 gồm nhiều gương mặt mới. Anh cũng không rành về chiến thuật hay triết lý của HLV mới Philippe Troussier. Út xem bóng đá bằng tình yêu thuần phác và sự vô tư. Sau tôi mới biết, vì gia cảnh khó khăn (nhà Út có tới 10 anh chị em), anh nghỉ học sau năm lớp 1. Nếu trao đổi qua điện thoại, Út chỉ gửi tin nhắn thoại.
Theo Út, hầu hết người Việt ở đây đều mê bóng đá, thích xem đội tuyển. Hiện ở nhà, nhiều anh chị em của Út đang tự in quốc kỳ làm thành hình dán, chuẩn bị những vật dụng cổ vũ khác để sẵn sàng tới sân đồng hành cùng U22 Việt Nam. Vấn đề lớn nhất hiện tại là không kiếm được vé. Rất khó để sở hữu tấm vé miễn phí, bởi đặt qua ứng dụng toàn báo hết trong khi tại các điểm phát miễn phí người Campuchia xếp hàng quá đông.
“Trận của Campuchia, tụi em kiếm được 70 USD (khoảng 1,6 triệu đồng) tiền bán cờ và đồ cổ vũ. Trận của Việt Nam có thể thu nhiều hơn vì người Việt mình tới đông, nhưng tụi em không làm. Bọn em khó nhưng cũng đâu thể lấy tiền của người Việt mình”.
Anh của Út chia sẻ
Vào hôm sau, Út hào hiệp chở tôi tới Khu liên hợp thể thao Quốc gia Morodok Techo bằng xe máy. Anh tự hào kể rằng mình từng thi công (lót gạch) ở khu vực dưới sân, vậy nên rất rành đường đi lối lại. Sau khi cùng tôi lấy thẻ tác nghiệp SEA Games 32, Út tìm kiếm vận may ở điểm phát vé trước sân. Vẫn không có. Nhìn vẻ mặt buồn thiu của Út, tôi hứa giúp xin cho vài tấm vé. Nghe đến đó, mắt Út sáng lên, lập tức phóng xe đến nhà người em cách đó 10km để lấy chiếc áo đỏ sao vàng. Nhìn Út hoa chân múa tay, sung sướng như một đứa trẻ, tôi cũng thấy vui lây.
Tới sân Prince, nơi diễn ra các trận vòng bảng của U22 Việt Nam, các anh em của Út đã chờ ở đó, với kèn, cờ trên tay và quốc kỳ dán trên mặt. Hôm trước họ bán những thứ đồ cổ vũ tương tự cho người Campuchia. Nhưng lần này, họ phát cho người Việt đang trên đường tới sân. “Bọn em khó nhưng cũng đâu thể lấy tiền của người Việt mình”, anh của Út nói.
Một nhóm bạn trẻ người Việt đã rất vui mừng nhận lấy chiếc kèn được cho. Những người này sống ở khu xóm đạo Arey Khsath, thuộc người Việt thế hệ thứ hai ở Campuchia. Mỗi người làm một công việc khác nhau, chủ yếu là lao động tay chân, nhưng khi biết có đội tuyển Việt Nam qua đá, lập tức tập hợp nhau lại và kiếm vé vào sân cổ vũ. Giống như Út, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chính và tình yêu với Việt Nam, với đội tuyển luôn rực cháy.
“Không gì hạnh phúc hơn khi ngồi cùng người Việt mình cổ vũ đội nước mình. Vui sướng và tự hào lắm anh”, bạn trẻ có tên Trần Văn Pháp nói, tay vẫy lá cờ Việt Nam được Út trao cho.