Ấm áp cồn Sơn

Khách quốc tế trải nghiệm làm bánh trên cồn Sơn
Khách quốc tế trải nghiệm làm bánh trên cồn Sơn
TP - Hằng năm dịp Tết về, người dân cồn Sơn nằm giữa sông Hậu thêm tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Với người dân ở đây, giữ nét truyền thống và nghĩa tình gắn bó luôn được đặt lên hàng đầu.  

Khách tây đón Tết ở cồn Sơn

Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy, TP Cần Thơ) rộng khoảng 70 ha, nhưng có 20 ha ao nuôi cá, còn lại vườn cây trái quanh năm.

Chiều muộn nhóm khách du lịch quốc tế gần chục người đi bộ tham quan cồn Sơn. Bà Christopher Gray người Australia lần đầu đến cồn cảm thấy thích thú khi trải nghiệm làm bánh kẹp tại nhà dân. “Mọi người ở đây gần gũi, không gian yên tĩnh và thiên nhiên thanh bình. Tôi cảm thấy rất thú vị khi đặt chân đến đây và chuyến đi này để lại nhiều ấn tượng đẹp”, bà Christopher Gray tươi cười nói.

Anh Weslay du khách từ Mỹ cảm thấy bất ngờ về vẻ đẹp hoang sơ cũng như sự thân thiện của người dân. Anh cho biết, đối với những khu du lịch được đầu tư hoành tráng với nhiều tiện ích nhưng lại thích thú như ở đây. “Hiếm có nơi nào trên thế giới giữ được vẻ đẹp hoang sơ và con người thân thiện, mến khách như ở đây”, anh Weslay chia sẻ.

Bà Phan Thị Kim Phước (hay thường gọi Năm Phước) chủ nhà vườn Song Khánh lúc nào cũng vui vẻ, lạnh lẹ. Còn hơn tháng nữa mới đến tết nhưng bây giờ bà đã trồng các loại hoa quanh nhà. “Tôi để dành buồng chuối xiêm sau vườn để ít hôm nữa chín rồi ép phơi khô dành Tết đãi khách”, bà Năm Phước cho biết. 

Theo bà Năm Phước bây giờ làm du lịch cái cốt yếu là giữ cho được nét truyền thống của ông bà. Bà kể, hằng năm cứ đến 28 – 29 tết, có nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây tận hưởng và trải nghiệm không khí đón Tết cổ truyền vùng sông nước. “Nhà tôi trước giờ có sao làm vậy, mâm cơm không thể nào thiếu món khổ qua cúng ông bà rồi mang xuống đãi khách với mong muốn năm cũ qua đi để đón năm mới làm ăn phát đạt. Đó là thông điệp tụi tôi giới thiệu với khách để họ hiểu thêm văn hóa của mình”, bà Năm nói rồi bà cho biết thêm, không chỉ món khổ qua mà Tết người dân ở đây còn có tục cho “cây ăn tết”, bằng cách lấy giấy vàng bạc dán lên khắp các cây trên đường, quanh nhà thậm chí dán lên các lu, kiệu vì nghĩ rằng, mình đón tết thì mọi vật xung quanh mình cũng sẽ đón tết. Khách nước ngoài họ ngạc nhiên rồi trầm trồ khen.

Ông Nguyễn Thành Tâm làm dịch vụ tát ao bắt cá ở cồn kể: “Khách quốc tế mặc bộ đồ bà ba, ban đầu còn e dè thấy bùn không dám xuống nhưng một lúc sau bắt được cá họ cảm thấy vui, thích thú. Nhiều người không chỉ đến một lần mà còn đến đây nhiều lần để trải nghiệm”.

Những con người ở cồn Sơn vốn quen với cuộc sống không xô bồ bon chen náo nhiệt nên ở họ toát lên sự chân tình không thể nào đong đếm hết. Từ nụ cười hiền hòa của bà Năm Phước, sự ân cần của bà Bảy Muôn hay sự nhiệt tình của chị Hiền bưởi, sự chu đáo quan tâm chăm sóc của cô Bé lái đò... Tất cả tạo nên một cái chất rất riêng, cái tình người của những con người làm du lịch trên đất cồn.

Ở cồn còn hoang sơ, nhưng người dân sống chân tình, giản dị và mang tính cộng đồng rất cao. Đó chính là sự khác biệt để thu hút khách so với nhiều nơi khác. Tính cộng đồng thể hiện ở chỗ khi khách đến ăn tại nhà dân, nhưng không phải một nhà làm ra đủ các món mà mỗi nhà làm một món rồi mang đến. Cụ thể như nhà vườn Song Khánh nấu lẩu cua đồng, cá lóc nướng chui; nhà vườn Năm Công nấu lẩu ốc, bồ câu nước dừa; nhà vườn Cô Ba nấu chao hay Cô Tám làm bánh xèo, bánh khọt… Đến nay đã có gần 20 gia đình hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh từng nhà để phục vụ theo đơn hàng, không cạnh tranh nhau. Đến cồn Sơn, khách nghe gặt giọng Nam Bộ xưa của người dân “Í chèn ơi mới qua đó hả, ăn uống gì chưa”. Chính những thanh âm mộc mạc, gần gũi ấy khiến cho du khách lần đầu đến cảm thấy thú vị.

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô (nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ) nói rằng, sản phẩm ở cồn Sơn là kết quả của quá trình liên kết gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm của nhiều hộ dân. “Họ cùng nhau gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, văn minh miệt vườn sông nước”. Đồng thời, cồn Sơn tiêu biểu cho hệ sinh thái đặc trưng của sông Hậu nên bằng mọi cách phải bảo tồn, giữ cho bằng được đất và người.

MỚI - NÓNG