Ám ảnh 'hung thần' container ở Sài Gòn

Hiện trường một vụ tai nạn xe container ở Sài Gòn. Ảnh: Vnexpress
Hiện trường một vụ tai nạn xe container ở Sài Gòn. Ảnh: Vnexpress
TP - Nhiều con đường ở TPHCM đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi ngày. Ám ảnh không phải lượng xe container đông nghẹt, chở hàng trăm tấn sắt thép, tôn lá… chạy ầm ầm, kéo còi inh ỏi mỗi khi qua giao lộ hay dừng đèn đỏ mà còn sợ vì tần suất tai nạn từ xe container ngày một tăng cao.

Những ngày cuối năm, lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng biển, cảng container tăng đột biến khiến lưu lượng xe container cũng phải tăng theo. Gần 5h chiều 27/12, hàng nghìn công nhân từ khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 tan ca về nhà qua tuyến đường Lưu Trọng Lư từ cảng Tân Thuận ra Huỳnh Tấn Phát để lên cầu Tân Thuận về trung tâm thành phố. Thời điểm này, xe container từ cảng Tân Thuận ùn ùn ra đường. Con đường Lưu Trọng Lư có chiều rộng chỉ đủ hai làn xe nhưng có hàng ngàn phương tiện lưu thông bỗng nhiên chiếc xe container từ Huỳnh Tấn Phát chạy khá nhanh ôm cua rẽ vào cảng Tân Thuận kéo còi inh ỏi, tiếng phanh xe chà rát mặt đường khiến đám đông hốt hoảng tấp vào lề.

Không riêng gì khu vực xung quanh cảng Tân Thuận mà nhiều tuyến đường khác như Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ quận 2…người đi đường luôn ám ảnh với hàng nghìn xe container nối đuôi nhau trên đường. Đặc biệt, mỗi khi phải lưu thông qua cầu Phú Mỹ, nối quận 7 với quận 2, TPHCM là người ta không khỏi rùng mình khi chứng kiến những chiếc xe container đổ dốc với tốc độ cao.

Từng là tài xế xe container chạy hàng Bắc – Nam nhiều năm nhưng phải bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực công việc, anh Nguyễn Văn Hạnh (40 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, trước đây một chiếc xe container có hai tài xế nên có thể thay nhau chạy. “Từ khi luật bắt phải có bằng FC mới được lái xe container thì lượng tài xế giảm trầm trọng, các doanh nghiệp giao cho mỗi tài xế một xe, tài xế phải cầm lái cả ngày lẫn đêm không có thời gian nghỉ nên rất dễ buồn ngủ” - anh Hạnh kể. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp khoán hẳn xe cho tài xế chạy rồi ăn chia phần trăm. Theo anh Hạnh, tài xế khi nhận xe phải cố gắng chạy nhiều chuyến để kiếm tiền. “Nhiều tài xế làm việc quá sức, có khi vài ngày mới được ngủ nên họ chơi hàng đá để chống buồn ngủ. Người nào có sức khỏe thì uống các loại nước có chất kích thích”, anh Hạnh nói.

Ông Đỗ Xuân Phú (Hội tương trợ đồng nghiệp vận tải container TPHCM, thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM) cho biết, do thiếu tài xế có kinh nghiệm và bằng lái hạng FC nên hiện nay nhiều tài xế mới có bằng hạng C chưa được phép lái xe container nhưng vẫn được doanh nghiệp “đôn” lên lái xe container. “Hơn nữa, việc thi bằng hạng FC cũng khó khăn, nhiều người mua bằng, làm bằng giả nên tay nghề còn kém khi gặp sự cố không xử lý được dễ gây tai nạn thương tâm”, ông Phú phân tích.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.