Ám ảnh du lịch Việt - Bài 2: Vô hình nhân dạng

Đồ họa: Ngọc Lâm.
Đồ họa: Ngọc Lâm.
TP - Sau khi Tiền Phong có chuyên đề “Ám ảnh du lịch Việt” với cách tiếp cận đa chiều, chúng tôi tiếp tục mổ xẻ lãnh địa này. Nhìn thẳng, nói thật thói hư tật xấu để phát triển, âu cũng là một cách xây dựng.

Nghèo nàn, đơn điệu

Quầy lưu niệm ở Bưu điện TPHCM luôn tấp nập du khách từ sáng đến chiều tối. Mặc dù sản phẩm bày la liệt, ken chặt lối nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thiệp giấy, quần áo thổ cẩm, trang sức đá, một vài nhạc cụ dân tộc bằng mây tre, muỗng đũa bằng gáo dừa... Hàng nào cũng giống hàng nào, khách đi một quầy là biết được các quầy khác. Hoa mắt trước “núi” đồ lưu niệm, một du khách nước ngoài nhờ nhân viên tư vấn sản phẩm đặc trưng của thành phố, thế nhưng người nào cũng lúng túng. Đó cũng chính là lý do, du khách đến các cửa hàng chủ yếu để... tham quan chứ không mấy người mua sắm.

Không chỉ nghèo nàn, đơn điệu sản phẩm du lịch trong nước, du khách còn hụt hẫng khi lựa chọn được một sản phẩm ưng ý thì lại có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc... Tại cửa hàng Phú Loan (đường Nguyễn Thiệp, Q.1) chuyên bán các sản phẩm mỹ nghệ, sơn mài… là điểm đến của rất nhiều du khách. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi xuất xứ, chủ hàng nói thẳng: “Đa số là của Trung Quốc chứ không phải trong nước. Bên đó họ làm tinh xảo, mẫu mã đẹp và giá cả rẻ hơn. Còn của mình làm thô, mộc nhưng giá cao, bán không cạnh tranh lại với những nơi khác”.

Còn tại chợ Bến Thành và chợ đêm Bến Thành (Q.1) tuy là điểm đến hàng đầu khi du khách đặt chân đến TPHCM, vậy mà hàng hóa từ giày dép, túi xách, quà tặng… đến cả thức ăn nếu không của nước khác thì lại không rõ xuất xứ. Chị Phương Anh, phụ trách đối ngoại của một tập đoàn đa quốc gia tại TPHCM kể, hè vừa rồi, tổng giám đốc điều hành của tập đoàn có chuyến làm việc với lãnh đạo công ty con ở TPHCM. Trong 3 ngày ở thành phố, tôi đưa ông đi tham quan rất nhiều nơi, nhưng đến khâu mua sắm là ngán nhất, bởi rất khó tư vấn cho khách mua món quà gì là hợp lý. Khách Mỹ không thích mua sơn mài, hàng thổ cẩm lại đơn điệu quá. Các sản phẩm làm bằng gỗ cũng không thực sự hấp dẫn...

Ám ảnh du lịch Việt - Bài 2: Vô hình nhân dạng ảnh 1 Tour du lịch trên sông Sài Gòn đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Ảnh: Uyên Phương.

Sống dở chết dở

Năm 2017, TPHCM đã khai trương nhiều tuyến phố du lịch được kỳ vọng sẽ là điểm đến ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Tiếc thay, các tuyến phố này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thay đổi lớn, ngoài… cái tên.

Quận 5 đột phá khi khai trương hai tuyến phố vô cùng độc đáo. Đó là phố Đông y (gồm các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục) tập trung khoảng 130 hộ chuyên kinh doanh thuốc và dược liệu Đông y lớn của TPHCM và cả nước. Nơi đây không chỉ bán dược liệu, bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc mà còn là nơi du khách tìm hiểu tường tận nghề y truyền thống với dao cầu, chuôi gỗ dùng thái thuốc, các chiếc cối đồng có nắp dính với chày giã thuốc… Phố vàng bạc và trang sức (nằm ở tuyến đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa) cũng hứa hẹn là điểm tham quan hấp dẫn với tour Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng, ngày khai trương xôm tụ bao nhiêu thì hiện nay, các phố này vắng vẻ bấy nhiêu. “Chỉ sôi nổi hôm khai trương thôi, giờ đìu hiu lắm. Hộ kinh doanh vàng hay Đông y vẫn làm công việc quen thuộc mỗi ngày, chứ có thấy đoàn khách được các công ty du lịch đưa tới đâu”- chị Nguyễn Ngọc (ngụ Q.5) chua chát.

Dù một số doanh nghiệp thành phố đã chủ động làm mới các tour tham quan nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Theo các đơn vị lữ hành, muốn thu hút du khách, sản phẩm du lịch phải thể hiện một góc nhìn tinh tế, mới lạ. Để “mở đường” cho các tour du lịch hút khách đến với thành phố trong thời gian tới, ngành du lịch TPHCM liên tục có đợt khảo sát đến các địa bàn như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 9... Trong đó, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rất được quan tâm đầu tư, phát triển. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn bởi chủ trương của thành phố rất hay, nhưng các sản phẩm du lịch, đặc biệt du lịch đường sông còn nghèo nàn. “Nếu đầu tư mà không hiệu quả thì mấy ai mặn mà. Còn để bà con tự làm sẽ không đi đến đâu”- đại diện một hãng lữ hành ở TPHCM nói.

Khai trương từ tháng 9/2015, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng được coi là phát pháo đầu tiên trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nội đô, nhưng sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tour này đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày, đội thuyền 22 chiếc chỉ phục vụ chưa tới vài chục du khách vãng lai, gần như không có khách đoàn thường xuyên từ các công ty lữ hành. Một nhân viên công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tour) than: “Ế lắm, dù giá chỉ 110.000 đồng/người nhưng khách không hào hứng”. Lý do được người này đưa ra là nguồn nước ô nhiễm trở lại vì ý thức kém của người dân sống dọc hai bên bờ. Nhiều người vô tư vứt rác bừa bãi xuống lòng kênh, thậm chí còn ngang nhiên phóng uế trước mặt du khách. Không chỉ vậy, thuyền chở khách du lịch còn không ít lần vướng phải dây câu của những người câu cá trái phép. Đặc biệt, mới đây còn xảy ra trường hợp thuyền chở khách, chở nhạc công đờn ca tài tử di chuyển trên kênh bị một số người ăn nhậu, câu cá đứng trên bờ chửi bới thô tục, chạy theo ném đá. Bên cạnh đó, hệ thống đèn điện hai bên bờ kè không có, khiến du khách không thể ngắm cảnh khi đi tour vào buổi chiều, tối…

Liên quan đến khai thác sản phẩm du lịch đường sông, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đặt câu hỏi: “Sông Sài Gòn rất đẹp nhưng chưa khai thác hiệu quả là do đâu? Các sở ngành cần lưu ý đến quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn. Không thể cấp phép xây dựng các công trình ồ ạt, tràn lan, làm mất mỹ quan tổng thể của dòng sông. Du khách ngắm cảnh sông Sài Gòn, không lẽ giới thiệu cho người ta các tấm biển quảng cáo, các công trình nhà cao tầng…?”.

(Còn nữa)

Trần Lan Anh - CEO của Viet Glory Travel:

Bán cái khách cần

Người làm du lịch cần phải hiểu được du khách muốn gì, cần gì, chứ không phải tranh thủ bán những gì mình có. Chẳng hạn, đi về một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, du khách dễ dàng bắt gặp các tour tham quan chợ nổi, nghe đờn ca tài tử, ghé miệt vườn na ná nhau, không tạo nét mới lạ, khác biệt. Để ngành du lịch phát triển, cần quan tâm đến phân khúc du khách, gồm những thành phần nào (đối tượng du khách phổ thông, hay du khách có chi tiêu cao, siêu sang), phục vụ ra sao… Tất nhiên, sản phẩm dành cho mỗi đối tượng cần chuyên biệt, như khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… sẽ rất khác đối tượng khách đến từ Liên bang Nga, Vương quốc Anh hay Mỹ…

Du lịch là một ngành nghề đặc thù, do vậy việc cho ra các sản phẩm du lịch cần phải quan tâm tới sự tinh tế của sản phẩm, làm sao thật nhất, tránh gượng gạo, giả tạo, để du khách thực sự cảm nhận được và thích thú với sản phẩm đó. Song song đó, việc nắm rõ nguồn, xuất xứ, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng là điều quan trọng bởi doanh nghiệp, công ty lữ hành phải có trách nhiệm vì sự an toàn sức khỏe của du khách. Trường hợp điểm đến chưa đạt chuẩn sẽ rất khó để doanh nghiệp yên tâm đưa khách hàng đến. Như vậy, chính người dân, hộ kinh doanh cũng phải chủ động trong việc nâng cấp chất lượng, uy tín của cửa hàng. Thêm nữa, nên có phương thức quảng bá, tiếp thị sản phẩm trên website nhằm giới thiệu hàng hóa đến du khách một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Du khách quốc tế:

Không biết mua gì ở Việt Nam

Anh Sachin (người Ấn Độ) đã ở Việt Nam được 2 năm cho biết, anh ấn tượng về du lịch Việt Nam. “Tôi thấy cảnh vật, con người và món ăn ở Việt Nam rất tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi lại rất khó chọn quà tặng bạn bè khi về nước, hầu như chưa có sản phẩm nào nhỏ gọn, có thể đem theo bên người để nhắc nhớ đến con người sống ở mảnh đất hình chữ S này. Dẫu vậy, tôi vẫn lên kế hoạch ở lại nơi này trong thời gian tới” - Sachin chia sẻ.

Anh Robert Boyle (du khách Mỹ) tỏ vẻ tiếc nuối sau khi đi tour xuyên Việt: “Tôi có dịp ghé thăm khu chuyên kinh doanh thuốc Đông y ở Bằng Tường thuộc Quảng Tây (Trung Quốc), thấy cách kinh doanh, đón khách du lịch của họ khá bài bản, có những sô diễn ấn tượng hơn ở Việt Nam. Các tuyến phố du lịch của các bạn đã có hình hài, đầy đủ thế mạnh nhưng chưa biết cách khai thác”. 

MỚI - NÓNG