Ai tiếp tay cho gần 2.000 taxi trôi nổi khắp Hà Nội?

Chiếc taxi của hãng Sông Hồng biển Hà Nội này chỉ có thể xác định được xe có phù hiệu taxi ngoại tỉnh (Bắc Ninh) khi PV Tiền Phong đề nghị TTGT Sở GTVT dừng kiểm tra.Ảnh: Trọng Đảng
Chiếc taxi của hãng Sông Hồng biển Hà Nội này chỉ có thể xác định được xe có phù hiệu taxi ngoại tỉnh (Bắc Ninh) khi PV Tiền Phong đề nghị TTGT Sở GTVT dừng kiểm tra.Ảnh: Trọng Đảng
TP - Sau khi phát triển đến ngưỡng 17.000 xe taxi, Hà Nội đã ngừng cấp phép mới taxi năm từ 2012. Tuy nhiên, hiện mỗi năm số taxi Hà Nội vẫn tăng 5 đến 10%. Vậy số taxi này ở đâu ra, ai cấp phép?

Biển số Hà Nội, phù hiệu Hưng Yên, Bắc Ninh


Để giải mã việc vì sao Hà Nội ngừng cấp phép nhưng số lượng taxi trên địa bàn thành phố vẫn tăng, sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế, PV Tiền Phong đã bước đầu giải mã được tình trạng này. 

Cụ thể, cùng với hoạt động bát nháo, để có thể tăng thêm được số lượng taxi, nhiều hãng đã tìm cách “lách” lệnh cấm bằng việc mua thêm đầu xe, đăng ký biển số Hà Nội rồi đi ra các tỉnh lân cận xin cấp phù hiệu, sau đó lại quay về Hà Nội hoạt động.

Sáng 9/6, trong gần 50 taxi quây cổng Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều xe của các hãng khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là taxi Mai Linh, Vạn Xuân, Sông Hồng, Phù Đổng, Thanh Nhàn… Nhìn kỹ phù hiệu các xe dán ở cửa kính trước, chúng tôi dễ dàng nhận ra có hơn 10 xe mang phù hiệu taxi ngoại tỉnh. 

Tuy nhiên, với hành khách để phân biệt được xe nào là taxi ngoại tỉnh, xe nào là taxi Hà Nội thì không hề dễ. Cụ thể, trong 4 taxi hãng Sông Hồng dừng bắt khách trước cổng Bệnh viện Bạch Mai sáng 9/6 có 2 xe mang phù hiệu ngoại tỉnh. Trừ phù hiệu dán ở cửa kính trước, 4 taxi Sông Hồng đều có biển số Hà Nội và chung màu sắc, lô gô của hãng chủ quản giống hệt nhau. 

Tới đây 17.000 taxi của Hà Nội sẽ được dán phù hiệu taxi riêng có hình Khuê Văn Các và in chữ Taxi Hà Nội. Phương án này có lộ trình thực hiện từ nay đến hết năm 2014

Để xác định rõ hơn việc này, trong sáng 9/6, chúng tôi đã đề nghị một tổ công tác của Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội dừng một số taxi hoạt động tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra. 

Sau khi dừng một số xe của hãng taxi Sông Hồng và taxi Thành Lợi Group, lực lượng chức năng thấy một số xe này có biển đăng ký Hà Nội nhưng phù hiệu lại do cơ quan chức năng các tỉnh lân cận cấp. 

Cụ thể, kiểm tra giấy tờ của taxi Sông Hồng mang số hiệu 125; tài xế đã trình đăng ký biển số xe 29A-53296 do Phòng CSGT Hà Nội cấp, nhưng phù hiệu hoạt động taxi lại do Sở GTVT Bắc Ninh cấp. Kiểm tra giấy tờ một taxi của hãng Thành Lợi, tài xế xuất trình đăng ký biển số xe 30F-5496 do Phòng CSGT Hà Nội cấp nhưng phù hiệu hoạt động lại do Sở GTVT Hưng Yên cấp.

Bao nhiêu hãng taxi tuồn xe ngoại tỉnh về Hà Nội?

Qua làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi có thêm bằng chứng về khoảng 2.000 taxi đang nằm ngoài sự quản lý của TP Hà Nội. Ông Hà Quang Vinh, đội trưởng Đội Cơ động, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, bằng công tác xử lý vi phạm và thanh kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT xác định, trên địa bàn Hà Nội hiện có 10 hãng taxi có xe ngoại tỉnh hoạt động. 

Theo ông Vinh, do Hà Nội đã ngừng cấp phép mới cho taxi nên để có thêm đầu xe hoạt động một số hãng đã “lách luật” bằng việc đầu tư thêm phương tiện, đăng ký biển số tại Hà Nội, sau đó tìm một địa phương lân cận mở văn phòng đại diện, xin phù hiệu rồi đưa taxi trở lại Thủ đô hoạt động. 

10 hãng taxi lách luật để tăng phương tiện theo hình thức trên bao gồm: Taxi Sông Hồng - phù hiệu do tỉnh Bắc Ninh cấp; Taxi An Pha - phù hiệu do tỉnh Thanh Hóa cấp; Taxi Thành Lợi, Thanh Nhàn, Cường Thịnh, Việt Nam - phù hiệu do tỉnh Hưng Yên cấp; Hoàng Gia, Hà Đông, Taxi 123, Taxi Tốt - phù hiệu do tỉnh Vĩnh Phúc cấp.

Cũng theo ông Vinh, số lượng taxi mà các hãng đăng ký phù hiệu ngoại tỉnh mang về Hà Nội hoạt động hiện dao động từ 1.500 đến 2.000 xe; đưa con số taxi hiện có trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay là khoảng 19.000 chứ không phải 17.000 xe như khi ngừng cấp phép. 

Nói về quá trình hoạt động của các xe ngoại tỉnh, đội trưởng Đội Cơ động Thanh tra giao thông Hà Nội cho rằng, do biển số một nơi, phù hiệu một nẻo và không có đơn vị quản lý cụ thể nên họ hoạt động chỉ vì lợi nhuận. Việc quản lý, kiểm tra nghiệp vụ, tay nghề, chất lượng phương tiện những xe ngoại tỉnh này hầu như bị thả nổi.

Loại taxi ngoại tỉnh bằng tem và phù hiệu riêng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trước tình trạng taxi ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội nhiều, để quản chặt số taxi Hà Nội hiện có và loại bỏ lượng taxi ngoại tỉnh trôi nổi, Sở GTVT đang xây dựng phương án lưu hành phù hiệu riêng cho taxi Hà Nội. 

Theo phương án này, tới đây 17.000 taxi của Hà Nội sẽ được dán phù hiệu taxi riêng có hình Khuê Văn Các và in chữ Taxi Hà Nội. Phương án này có lộ trình thực hiện từ nay đến hết năm 2014. 

“Việc cấp phù hiệu riêng giúp cơ quan quản lý và hành khách dễ nhận biết được taxi Hà Nội, taxi ngoại tỉnh và cả taxi dù để dễ dàng quản lý và loại bỏ được những phiền hà khi hành khách đi không đúng xe chính hãng”, ông Linh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để quản được taxi, Sở GTVT chỉ quản lý bằng phù hiệu thì chưa đủ. Cần phải có giải pháp đồng bộ, xử lý mạnh tay hơn với xe taxi dù. 

Hiện nay tình trạng xử phạt xong rồi cho tồn tại vẫn diễn ra, hơn nữa quá trình kiểm tra còn lỏng lẻo, còn hiện tượng bao che, dung túng cho vi phạm. 

Thanh tra giao thông đứng sau taxi dù

Trong các đợt xử lý taxi vi phạm vừa qua cơ quan liên ngành đã tạm giữ hơn 10 taxi vi phạm, trong đó có 2 taxi biển số 31F-0085 và 29A-20293 mang thương hiệu taxi Sông Hồng. 

Cả hai taxi này đều có chung chủ sở hữu là ông Vương Văn Bá, địa chỉ tại số 398 - C22 Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điều đáng nói, hiện ông Bá đang là Đội trưởng Đội thanh tra giao thông huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Cả hai taxi trên vi phạm các quy định vận tải khi dừng đón trả khách tại khu vực bến xe Nước Ngầm. 

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 19/6, ông Nguyễn Văn Hùng, Thanh tra của hãng taxi Sông Hồng cho rằng, hãng không có taxi nào có biển số và chủ sở hữu như vậy. Còn ông Lê Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, cho đến thời điểm hiện tại về nguyên tắc hai xe taxi trên đều do ông Bá sở hữu.

MỚI - NÓNG