>Họa sĩ Nguyễn Thành Phong: Đang dự tính một tiểu thuyết hình ảnh
>Không chỉ “Sát thủ…”
Lâu lắm rồi khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp mới đông như thế. Đa số cử tọa là giới trẻ, có người đứng suốt hơn 2 giờ do thiếu ghế, nhiều người không ngại bệt luôn xuống sàn.
Các diễn giả Phạm Xuân Nguyên hay PGS.TS. Phạm Văn Tình, hoặc PGS.TS. Văn Như Cương, trẻ nhất là họa sĩ Thành Phong thuộc 8X, đều ưu ái nhường phần lớn thời gian cho cử tọa. Nên xem ra Thành Phong khá nhàn hạ, tranh của anh không nằm ở trung tâm của tọa đàm. Đó chỉ là cái cớ, là dịp giới trẻ thỏa thuê, mở rộng nói về ngôn ngữ mới mà lâu nay các học giả, truyền thông tốn không ít giấy mực bàn ra tán vào.
Một trong những câu hỏi quyết liệt nhất của buổi tọa đàm là: “Liệu những tiếng lóng kiểu như từng in trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ có nên được in thành sách, hay chỉ để nó tồn tại trong thế giới mạng và chờ kiểm chứng? Nếu in ra có nghĩa là ngầm ủng hộ nó?”. Nguyễn Thành Phong khá điềm đạm đáp: “Ở đây có điều gì đó hiểu chưa đúng, kiểu định kiến. Nhiều khi người ta cứ nghĩ đưa vào sách là môi trường hàn lâm, phải mang tính giáo dục. Nhưng tôi nghĩ, sách, mạng hay bất cứ phương tiện truyền thông nào cũng là công cụ để đưa ý tưởng, tính sáng tạo đến người xem. Không có ngôn ngữ xấu hay tốt mà chỉ là có hợp với ngữ cảnh hay không”.
PGS.TS Văn Như Cương thì “bênh” hoàn toàn những tiếng lóng, thành ngữ mới qua minh họa của Nguyễn Thành Phong: Chảnh như con cá cảnh, Ngốc như con ốc, cho rằng là thứ tiếng Việt hoàn toàn trong sáng. Còn Phạm Xuân Nguyên, cho rằng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa khư khư, không chịu dung nạp. Một bạn trẻ thắc mắc: “Hình như các diễn giả nhìn ngôn ngữ giới trẻ dưới các mặt tích cực quá. Nhiều khi giới trẻ không nói những câu đó với ý nghĩa tích cực. Có lẽ các nhà ngôn ngữ nghiên cứu, nhìn dưới góc độ tích cực để sau này làm giàu thêm tiếng Việt? Chứ trước mắt vẫn có những câu khi nói ra có nghĩa không tốt: Miệt mài quay tay vận may sẽ đến. Hay câu Gia đình là phù du, Suzu là tất cả nữa. Câu hỏi đặt ra là với tư cách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, làm thế nào loại bớt yếu tố xấu trong đó?”.
“Thực sự ngôn ngữ tốt xấu ra sao là do con người sử dụng. Ví dụ như từ ấy, từ duy nhất có thể thay cho rất nhiều loại từ. Ấy ơi ấy bảo ấy thế này ấy thế nào. Nói như thế, tôi muốn phản bác ý kiến của bạn vừa nói. Tôi cho rằng từ ngữ tốt xấu ra sao do người dùng, không phải do bản thân từ ngữ. Nếu gạn lọc, giảm bớt tác động xấu của từ ngữ gây ra, chắc phải do con người”, một cử tọa trẻ khác nêu ý kiến.
Chị Diệu Linh, phụ huynh có cậu con trai 4 tuổi tỏ ra không đồng tình với xu thế cổ động tiếng lóng. Bà mẹ trẻ lo lắng con mình dễ bị nhiễm, chịu tác động không tốt từ ngôn ngữ thời @. Đây cũng là điều chị không thỏa mãn, khi các diễn giả chưa chạm đến trong cuộc tọa đàm.
Như lời tâm sự của Thành Phong ngay khi bắt đầu tọa đàm, anh nhận lời vẽ tranh minh họa cho ngôn ngữ giới trẻ theo tinh thần chủ đạo là hài hước. Cuốn sách cũng dán mác 16+, đủ để người đọc có nền nhất định khi tiếp nhận. Một trong những yếu tố gây nên hài hước là bất ngờ. Có một số câu phổ biến rộng hơn cả giới trẻ, nhưng qua minh họa lại mang đến cho người xem hiệu ứng bất ngờ. Chuẩn không cần chỉnh, được minh họa bằng hình ảnh samurai mổ bụng tự sát nhưng cũng phải lấy thước đo. Hay Đau khổ như con hổ thực ra nói đến thói coi trọng cao hổ cốt, khiến hổ Việt Nam nguy cơ tuyệt chủng. Thành Phong minh họa câu này khá ngộ nghĩnh, có cử tọa đánh giá là tuyệt vời: con hổ thắp hương khấn bố, bên cạnh đặt bát cơm, quả trứng và gói cao hổ cốt.