Ai giải cứu các thuyền viên Việt Nam?

Gia đình anh Trần Văn Hùng đang hoảng hốt chờ tin con
Gia đình anh Trần Văn Hùng đang hoảng hốt chờ tin con
TP - Liên quan vụ 12 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ, đến tối qua, phía Việt Nam chưa nhận được thông tin từ các thuyền viên. Vậy ai có trách nhiệm giải cứu họ?

>> 12 thuyền viên Việt Nam trong tay cướp biển

 Gia đình anh Trần Văn Hùng đang hoảng hốt chờ tin con
Gia đình anh Trần Văn Hùng đang hoảng hốt chờ tin con.

Chưa liên lạc được với tàu Shiuh Fu-1

Ngày 5-1, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phối hợp với chủ tàu nhanh chóng tìm giải pháp giải thoát các thuyền viên Việt Nam.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Hải cho biết, đã nhận được văn bản từ ba doanh nghiệp xuất khẩu lao động có 12 thuyền viên đang bị cướp biển Somalia bắt giữ. Ngay sau khi nhận văn bản từ các doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp liên lạc với chủ tàu và Cty quản lý tàu để xem xét tất cả các vấn đề liên quan.

Theo thông lệ quốc tế, đàm phán để giải thoát tàu và thuyền viên bao giờ cũng là trách nhiệm của Cty quản lý tàu. Trong vụ việc này, đơn vị quản lý tàu Shiuh Fu-1 của Đài Loan phải thương lượng trực tiếp với cướp biển Somalia.

Để phối hợp giải quyết, Cục cũng đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan) làm việc với các cơ quan hữu quan phía bạn.

Về các vụ bắt cóc do cướp biển Somalia gây ra, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nói: “Nếu công dân bị bắt vì vi phạm pháp luật thì chúng tôi còn có thể can thiệp trực tiếp được; còn trong trường hợp này, chúng tôi không có cách nào khác vì người có quyền thương thuyết là chủ tàu chứ không phải là các nước có công dân bị bắt giữ”. 

Theo ông Hải, mục tiêu của hải tặc Somalia trong việc giữ người, giữ tàu chủ yếu là để đòi tiền chuộc từ phía chủ tàu nên Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các gia đình có con em là thuyền viên của tàu Shiuh Fu-1 bình tĩnh, tiếp tục theo dõi tình hình cũng như phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam và Đài Loan giải phóng kịp thời các thuyền viên khi cướp biển Somalia đưa ra khoản tiền chuộc.

Ông Vũ Đình Tuân - Trưởng phòng Đài Loan, Cty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) thuộc Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - đơn vị có 4 thuyền viên đang bị bắt giữ cho biết, đến hết ngày 5-1, đối tác phía Đài Loan vẫn chưa liên lạc được với tàu Shiuh Fu-1, nên chưa có thông tin gì về tình hình sức khỏe của các thuyền viên.

Theo ông Tuân, thông thường, ngay sau khi bắt cóc, cướp biển Somalia sẽ ra giá tiền chuộc cụ thể. Sau đó, cướp biển sẽ cho thuyền trưởng của tàu liên lạc trực tiếp với chủ tàu. Khi biết khoản tiền chuộc, nếu khả năng tài chính đáp ứng thì cuộc trao đổi sẽ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu khoản tiền chuộc quá lớn thì phải mất thời gian rất dài (ít nhất là 1 tháng) để hai bên thương lượng. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía cướp biển Somalia vẫn chưa cho thuyền trưởng liên lạc với chủ tàu” - ông Tuân nói.

Liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, vụ bắt cóc 26 thuyền viên của tàu Shiuh Fu-1 có kịch bản giống vụ bắt cóc 43 thủy thủ vào đầu năm 2005.

Theo các chuyên gia, thông thường, cướp biển Somalia (được trang bị vũ khí hạng nặng) chỉ tiến hành các vụ bắt cóc tàu bè ngoài khơi biển châu Phi, song gần đây chúng đã tiến xa hơn vào vùng biển Ấn Độ Dương. Tàu Shiuh Fu-1 là nạn nhân tiếp theo sau vụ tàu Tai Yuan 227 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 6-5-2010. Lúc đó, trên tàu Tai Yuan 227 có 25 thuyền viên (trong đó có 3 người Việt Nam).

Trước đó, ngày 4-6-2006, cướp biển Somalia cũng đã bắt giữ tàu đánh cá Dongwon 628 của Hàn Quốc. Trong số 25 thủy thủ trên tàu có mặt khi bị cướp biển bắt giữ có 5 thuyền viên người Việt Nam, 9 người Indonesia, 8 người Hàn Quốc và 3 người Trung Quốc. “Với các vụ bắt cóc do cướp biển Somalia tiến hành nói trên, sau khi chủ tàu trả một khoản tiền chuộc, chúng đã thả tàu và thuyền viên”- một chuyên gia cho biết.

Người nhà thuyền viên:

Chờ tin con em trong vô vọng

Nhận được thông tin vụ bắt cóc các thuyền viên trên tàu đánh cá của Đài Loan, trong đó có 3 thuyền viên là người xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phóng viên Tiền Phong đã gặp gia đình nạn nhân.

Tại nhà thuyền viên Lưu Đình Hùng (xóm 8, xã Nghi Tiến) chưa ai biết thông tin Hùng bị “hải tặc” bắt giữ. Hùng sinh năm 1987, là con thứ 2 trong gia đình ba chị em. Cuối năm 2009, gia đình Hùng vay mượn gần 20 triệu đồng cho Hùng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, công việc chính là đánh bắt xa bờ, mức lương hơn 3 triệu VND/ tháng. Bà Trần Thị Tuân, bà nội Hùng nói: “Từ lúc đi đến giờ nó chỉ mới gọi điện về nhà được vài lần. Gần năm nay có thông tin gì của nó đâu”.

Chúng tôi đến gia đình thuyền viên Trần Văn Toàn (SN 1991 trú tại xóm 14, xã Nghi Tiến). Năm 2009 Toàn xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Từ khi sang đến nay Toàn cũng chỉ mới điện về gia đình có 2 lần.

Bố của Trần Văn Hùng một thuyền viên bị bắt giữ tại Somalia (sinh năm 1987, trú xóm 9, xã Nghi Tiến, Nghi Lộc) là Trần Văn Vinh cho biết: “Vừa sang đến nơi, nhận được công việc phải đi biển dài ngày nên nó chỉ mới gọi về nhà một lần. Nó bảo khi nào thuyền cập bến sẽ liên lạc với lại hằng tháng chúng tôi đều nhận được tiền lương công ty nó gửi về nên cũng yên tâm. Cho đến chiều nay (5-1) có mấy người trên xã bảo cho biết chuyện nó bắt cóc tôi mới ngã ngửa ra. Bây giờ gia đình tôi chỉ mong sao cho con tôi được bình an trở về”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG