Ai đánh cắp ước mơ của người dân Thủ Thiêm?

Người dân đến dự buổi gặp Chủ tịch UBND TPHCM
Người dân đến dự buổi gặp Chủ tịch UBND TPHCM
TP - “Quyết định (QĐ) của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao cho người dân ước mơ an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất Thủ Thiêm nên phải quyết tâm trả lại dù rất muộn rồi”, ông Nguyễn Bảo Sơn, một quân nhân đề nghị với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi tiếp 50 hộ dân ba phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 14/11.

Sai chưa rõ, làm sao sửa? 

Tại buổi tiếp xúc, ông Hoàng Thăng Long (phường An Khánh) cho hay từ tháng 7/2016, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo làm rõ khiếu nại tại dự án khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm nhưng UBND TPHCM chần chừ, né tránh nên người dân rất bức xúc. Trong khi đó, văn bản số 1483 thông báo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) không phải là kết luận thanh tra, không đủ cơ sở pháp lý giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của trên 100 hộ dân cả 5 khu phố thuộc ba phường nằm ngoài ranh quy hoạch dự án. Người dân lẽ ra không bị cưỡng chế giải tỏa.

Ông Long kiến nghị làm rõ những khuất tất như xác định ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm theo Quyết định 367, ranh khu trung tâm 770 ha; ranh khu tái định cư 160 ha. “Cần làm rõ nhà đất của dân bị cưỡng chế giải tỏa có đúng pháp luật và ai phải chịu trách nhiệm… sau đó mới khẩn trương sửa sai. Ai bị oan sai phải được trả lại quyền lợi chính đáng”, ông Long nói.
Theo ông Nguyễn Đình Đảng (phường An Khánh), người dân chưa đồng tình với thông báo của TTCP vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ như 160 ha đất tái định cư đã bị “biển thủ” như thế nào và số đất kim cương này hiện nay thuộc về ai?

Ông Phạm Ngọc Hậu (phường Thủ Thiêm) chỉ ra việc triển khai dự án đã đi ngược Nghị quyết 18 của Thành ủy TPHCM do Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang ký. Theo đó, người dân bị giải tỏa phải có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và người dân phải được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.

Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi) cho rằng cơ sở pháp lý về quy hoạch của dự án khu ĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ. Dự án sau 12 năm vẫn chưa có quy hoạch 1/500, chưa có dự án đầu tư khu đô thị Thủ Thiêm. UBND TPHCM thu hồi đất trái pháp luật. Muốn thu hồi đất phải có dự án, có quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân, phải có phương án bồi thường, tái định cư…

“Anh thu hồi đất của dân đã đời, đến năm 2008 mới làm văn bản xin Thủ tướng miễn cho phương án bổi thường để hợp thức hóa sai phạm. Đất của dân thì bồi thường thấp hơn hệ số K quy định, trong khi đất lấn chiếm của một doanh nghiệp bồi thường cao gấp hàng chục lần”, bà Mỹ nói.

Dù bức xúc, người phụ nữ này cũng khẳng định đã đến lúc khép lại “quá khứ đau thương”. Điều người dân Thủ Thiêm mong đợi là thanh tra toàn diện dự án để làm rõ mọi khuất tất. Sau khi có kết luận thanh tra, nếu chính quyền cầu thị, người dân chúng tôi sẽ hiến kế với UBND TPHCM để sửa chữa, khắc phục hậu quả.

“TPHCM cố gắng thực hiện. 100% thì khó nhưng TPHCM cố gắng giải quyết đến Tết cổ truyền bà con phải có nơi ở ổn định, đảm bảo cuộc sống. Để các cụ lớn tuổi nhắc hoài thì rất có lỗi. Đây là lời xin lỗi thực tâm nhất, hiệu quả nhất”.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương

Khó tìm tiếng nói chung

Ông Nguyễn Bảo Sơn (phường An Khánh) nói, QĐ 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vì dân, cho người dân ước mơ được an cư lạc nghiệp tại mảnh đất Thủ Thiêm nhưng thay cho những dự định tốt đẹp ban đầu là những lời oán trách, đau khổ. “Phải quyết tâm thay đổi để trao lại cho người dân ước mơ đó dù rất muộn rồi. Chúng tôi sẵn sàng động viên nhau chờ đợi. Thủ Thiêm dứt khoát phải trở thành đô thị văn minh. Đừng loanh quanh, luẩn quẩn nữa, phải mạnh dạn sửa sai”, ông Sơn bày tỏ.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều người dân cũng chỉ ra 10 chính sách bồi thường hỗ trợ mà Tổ công tác đề xuất không thể vận dụng cho gần 15.000 trường hợp bị giải tỏa. Bà Nguyễn Mê Linh (phường Thủ Thiêm) cho biết nhiều trường hợp trước kia chính quyền khi tính chi phí bồi thường đã gộp các hộ ghép thành một và chỉ bố trí một suất tái định cư nên cần phải có chính sách thỏa đáng.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết (phường Thủ Thiêm) bức xúc: UBND TPHCM phải trả lại 160 ha đất tái định cư. Đó là đất của dân, phải cho dân có đất xây nhà để an cư. Thành phố hỗ trợ 3 đợt nhưng dân không đủ tiền mua nhà.

Theo bà Nguyễn Thị Dung (An Lợi Đông), nhiều gia đình sau khi giải tỏa trôi dạt về các tỉnh, mất công ăn việc làm. Tiền bồi thường hỗ trợ tiêu tan; từ nhà to, dân xuống ở nhà nhỏ rồi ra đường…Trong khi đó, UBND TPHCM chưa có khảo sát đời sống người dân hậu giải tỏa. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, UBND TPHCM mong muốn người dân cùng hợp tác để giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm theo pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi bà con, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Sau khi có thông báo của TTCP, Thủ tướng đã giao và UBND TPHCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện, xây dựng chính sách bồi thường tái định cư thỏa đáng cho người dân và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy nhưng mới là đề xuất của Tổ công tác.

“Thành phố còn phải nghe ý kiến cô bác. Vẫn còn nhiều ý kiến cô bác chưa đồng thuận và chúng tôi rất cầu thị, luôn lắng nghe. Cô bác chưa đồng tình thì sẽ tiếp tục lấy ý kiến. Phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm”, ông Phong cam kết.

Về 160 ha đất tái định cư, ông Phong cho hay Thủ tướng đã giao TTCP lập tổ công tác liên ngành rà soát và khi có kết quả kiểm tra thì sẽ thông báo cho người dân. Đề xuất của người dân về việc thanh tra toàn diện dự án, UBND TPHCM sẽ báo cáo với TTCP.

“160 ha tái định cư trong quá trình rà soát cái nào sai thì phải sửa và liên quan đến trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ chúng tôi xử lý ngay chứ không chần chừ. Thủ Thiêm đã kéo quá dài. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách phải trên cơ sở đồng thuận của người dân, xây dựng chính sách phải đúng pháp luật vì chúng ta thượng tôn pháp luật. Sai pháp luật thì phải xử lý. Chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm của mình phải giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cô bác. Những cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ xử lý một cách nghiêm khắc”, ông Phong cam kết.

MỚI - NÓNG