Theo Aljazeera, phán quyết trên của tòa án Ai Cập được gửi đến Grand Mufti, một tổ chức tôn giáo tối cao ở Ai Cập xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 30/5 tới. Tuy nhiên, những nghi phạm này có quyền kháng cáo và thời gian xét xử có thể kéo dài đến vài năm.
“Với sự nhất trí của tất cả thành viên trong hội đồng xét xử, các trường hợp bị kết án sẽ được gửi đến Grand Mufti để có một phán quyết chính xác nhất” thẩm phán Mohamed al-Saeed Mohamed nói trong một phiên tòa phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Tại Ai Cập, phán quyết của Grand Mufti không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì nhưng cần phải có bản sơ thẩm trước khi đưa ra án tử hình.
Ngày 1/2/2012, vụ xô xát đã xảy ra giữa các cổ động viên đội chủ nhà Al-Masry với các cổ động viên của đội khách Al-Ahly. Đây là một trong những thảm kịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới khi 73 người thiệt mạng và ít nhất 1.000 người bị thương.
Theo nhân chứng, những người thiệt mạng hầu như là bị dẫm đạp cho đến chết trong “lòng” cuộc bạo loạn. Lực lượng an ninh bị chỉ trích đã không cố gắng để ngăn chặn bạo lực.
Sau thảm kịch, có khoảng 73 người bị bắt, trong đó có cả các quan chức an ninh Ai Cập.
Trước đó, vào tháng 3/2013, một tòa án Ai Cập đã kết án tử hình 21 người và kết án chung thân 5 đối tượng khác song lại tuyên bố trắng án cho 28 người, bao gồm cả nhân viên an ninh. Phán quyết này vấp phải sự phản đối của dư luận và bị Tòa án Tối cao Ai Cập bác bỏ, yêu cầu đưa vụ án ra xét xử lại.