Ai bảo vệ quyền lợi cho 318 giáo viên không được cấp bằng chuẩn hoá

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai
TPO - Có 318 học viên tiểu học theo học lớp chuẩn hoá mở tại trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (TP Pleiku, Gia Lai) từ năm 2006, điểm thi đạt nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp.

Đơn của tập thể giáo viên tại huyện Kbang (Gia Lai) gửi đến UBND tỉnh Gia Lai, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai và trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai trình bày: Thực hiện các văn bản hướng dẫn triển khai chuẩn hoá giáo viên mầm non và tiểu học chưa đạt chuẩn mở tại trường CĐSP Gia Lai, tập thể giáo viên huyện Kbang đã theo học đúng, đủ chương trình trong thời gian nghỉ hè của các năm 2006, 2007, 2008, 2009. Kỳ thi tốt nghiệp được hoàn thành vào ngày 22/9/2009 nhưng nhà trường chỉ phát giấy chứng nhận tốt nghiệp chứ không cấp bằng tốt nghiệp. 

Ngày 28/12, trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai cho biết: sự việc trên xảy ra cách đây 12 năm. Thời điểm đó (2006) bà đang là giảng viên giảng dạy tại Khoa Tự nhiên. 

Nghiên cứu lại hồ sơ, sau khi thống nhất trong tập thể lãnh đạo nhà trường, được sự cho phép của Hiệu trưởng, TS. Thu Hà cho biết, 318 học viên theo học khóa chuẩn hóa được mở tại trường theo Công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai, thực tế chưa được cấp bằng là đúng.

Bởi các học viên thi tốt nghiệp đạt về điểm số, nhưng hồ sơ không hợp lệ vì còn thiếu chứng nhận sơ cấp sư phạm 9+1 năm (tốt nghiệp lớp 9 và 1 năm đứng lớp) hoặc có chứng nhận nhưng không ghi thời gian đào tạo theo qui định hiện hành, nên Bộ GD&ĐT không đồng ý cấp phôi bằng cho số học viên này.

Khi gặp khó khăn trong việc xin cấp phôi bằng cho số học viên trên, lãnh đạo nhà trường đã có Công văn số 29/ĐT-CĐSP ngày 17/1/2011 báo cáo UBND tỉnh và Công văn số 345/BC-CĐSP ngày 12/7/2012 báo cáo Sở GD&ĐT Gia Lai, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được cách giải quyết. 

“Lãnh đạo nhà trường mong nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Gia Lai, Bộ GD&ĐT giúp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho học viên – những người đã có thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhà” - TS. Hà nói.

MỚI - NÓNG