Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo Quốc hội Mỹ không đạt được thoả thuận về trần nợ công sau cuộc họp ngày 16/5. (Ảnh: Reuters) |
Sau cuộc trao đổi kéo dài 1 giờ đồng hồ, ông McCarthy nói với báo chí rằng hai bên vẫn khác xa quan điểm để tiến tới thoả thuận nâng trần nợ công. Nhưng ông nói: “Có thể đạt được thoả thuận vào cuối tuần này. Không quá khó để đạt được thoả thuận”.
Phe Dân chủ không lạc quan về khả năng giải quyết nhanh chóng, nhưng Nhà Trắng cho rằng cuộc họp đã diễn ra “hiệu quả và thẳng thắn”. Ông Biden cho biết, hai bên đã đạt được “sự đồng thuận áp đảo rằng vỡ nợ không phải là một lựa chọn. Nền kinh tế của chúng ta sẽ rơi vào suy thoái”.
“Vẫn còn nhiều công việc phải làm”, ông Biden nói tại một sự kiện tại Nhà Trắng để tôn vinh người Mỹ Do Thái. Ông nói rằng các bên “đang trên đường phía trước để bảo đảm Mỹ không vỡ nợ lần đầu tiên”.
Ông Biden bày tỏ thất vọng rằng phe Cộng hoà sẽ không xem xét các biện pháp để tăng nguồn thu. Tăng thuế với người giàu và những tập đoàn lớn để giúp chi trả các chương trình xã hội là một phần quan trọng trong kế hoạch ngân sách năm 2024 của ông Biden.
Phe Cộng hoà từ chối đồng ý nâng trần nợ công lên trên mức 31,3 nghìn tỷ nếu Tổng thống Biden và phe Dân chủ không đồng ý cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang. Nhưng sau cuộc họp, lãnh đạo phe Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell phát biểu: “Chúng tôi biết rằng chúng ta sẽ không vỡ nợ”.
Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ ngay trong đầu tháng 6 nếu Quốc hội không đồng ý nâng giới hạn nợ công. Các nhà kinh tế học sợ rằng điều này sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái.
Ngày 18/5, ông Biden sẽ lên đường sang Nhật Bản. Ông cho biết sẽ trao đổi thường xuyên với các lãnh đạo Quốc hội qua điện thoại, và Nhà Trắng cho biết ông sẽ họp lại với họ sau khi về nước.
Những bất định xung quanh trần nợ công khiến ông Biden quyết định không đến Papua New Guinea và Úc sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
“Chúng ta có rất nhiều công việc phải làm trong một thời gian ngắn”, ông McCarthy nói với báo chí về các cuộc họp tiếp theo.