Ác mộng thi cử

“Có lúc, tôi chỉ ước mình biến mất” (Ảnh minh họa)
“Có lúc, tôi chỉ ước mình biến mất” (Ảnh minh họa)
TP - Tiếng MC trên truyền hình vang lên đều đặn “Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia...”. Miếng cơm ở cổ họng tôi đột ngột nghẽn lại. Bố mẹ đồng loạt buông bát, quay ra tivi. Mẹ hắng giọng: “Cả nhà im để nghe!”. Mọi người lập tức dừng hết câu chuyện, khuôn mặt trở nên căng thẳng theo từng lời cô MC. Không khí bỗng u ám như đường ra pháp trường.

Gia đình tôi cũng thuộc hàng danh giá. Bố tôi làm cán bộ ở một ngân hàng lớn, mẹ tôi là kế toán cho công ty xây dựng. Từ bé, bố mẹ đã không tiếc tiền bạc, đầu tư công sức đưa đón tôi học hành. Từ học chính khóa, ngoại khóa, học thêm tại nhà cô, thuê gia sư học kèm tại nhà…, bất chấp ngày đêm, miễn sao tôi đạt học sinh giỏi.

Những năm cấp 1, cấp 2 của tôi thường là sáng dậy sớm đến trường, chiều và tối đi học thêm. Nhiều hôm học tới khuya. Mỗi lần tôi kêu mệt, mẹ lại động viên: “Con gắng học giỏi cho mẹ mừng nhé!”, “Con phải đậu vào trường A, lớp B thì mẹ mới vui chứ, con có muốn mẹ vui không?”… Tất nhiên, tôi muốn mẹ vui. Vậy là cứ lao vào học với mục đích khiến mẹ vui. Tôi học không tệ, thậm chí cũng luôn trong nhóm học sinh giỏi ở lớp. Lớp 7, tổng kết năm học tôi được 8,5. Lên lớp 8 được 8,7. Cao vào hàng tốp 5 của lớp. Nhưng mẹ vẫn lắc đầu: “Hơn năm ngoái có một tí. Phải 9 thì mới được thưởng”. Tôi thật không biết làm thế nào mới đủ cho mẹ hài lòng.

Suốt 3 năm học cấp 3, bố mẹ chưa bao giờ hỏi tôi sau này muốn làm nghề gì. Chả hiểu từ bao giờ, mọi người mặc định sau này tôi sẽ phải theo nghề nối nghiệp bố mẹ. Không cần đam mê, chỉ cần học cho được cái bằng đúng chuyên ngành, mọi việc để bố mẹ lo. Có suất cả rồi. Mẹ tôi bảo thế. Bắt đầu lên lớp 12, tôi rất sợ về quê. Đi đâu, gặp ai, cũng được nghe những câu quen thuộc: “Năm nay cháu định vào trường nào? Cố mà thi tốt để vào mấy trường tốp đầu nghe chưa?”, “Con bố M mẹ H thì phải đậu đại học chứ, không đậu thì có mà chết à, con nhở!”, “Đấy! Anh A, chị B con nhà ông C, bà D năm rồi toàn đỗ 2 trường đấy, giỏi thế chứ lị!”.

Trước khi tôi bước vào kỳ thi THPT quốc gia khoảng 1 tháng, buổi trưa, thay vì ở lại cơ quan ăn trưa và nghỉ ngơi như bình thường thì mẹ thường xuyên về nhà nấu nấu nướng nướng, chế biến toàn những món ăn “bổ não, tăng cường thông minh” với mục đích phục vụ tôi ôn thi. Tất cả các hoạt động vui chơi cũng đều lập tức ngừng lại. Mẹ quán triệt trong thời gian tôi ôn thi, cả nhà tuyệt đối phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên để tôi yên tĩnh học hành. Đồng thời, ra tuyên bố: “Nếu con được điểm cao, bố mẹ sẽ thưởng cho chuyến du lịch...”. Tôi trở thành tâm điểm của cả nhà. Được quan tâm, lo lắng, chăm chút từng tí một. Nhưng tôi cứ thấy ngột ngạt, bức bối.

Sáng nhắc, trưa nhắc, tối nhắc, cứ nhìn thấy mặt tôi là mẹ nhắc học. Lắm lúc chán quá, tôi đeo tai nghe định thưởng thức một bản nhạc thì bị mẹ bắt gặp. Và rất tự nhiên, tôi buộc phải nghe “bài ca không bao giờ quên” từ mẹ. “Mày không lo mà học đi, nhạc nhẽo gì! Không đỗ đại học thì sau này đi làm thợ xây, phụ hồ à!”. Tôi lại miễn cưỡng ngồi vào bàn, trong đầu không ngừng tự hỏi làm thợ xây, phụ hồ thì có gì sai, có
gì xấu.

Thỉnh thoảng trùm chăn lén mẹ lướt facebook thì toàn những trang quảng cáo “Cách ôn thi lấy điểm 10”, “Học thế nào để đỗ đại học với điểm cao”, “Lò luyện cấp tốc, đảm bảo đỗ điểm cao”... Có lần, tôi thấy mẹ viết lên facebook: “Con sắp thi, mẹ cũng sút cân, bạc cả đầu vì lo lắng!”, ở dưới phần bình luận, nhiều cô chú vào bày tỏ đồng cảm và động viên mẹ, không quên hỏi han tỉ mỉ, điểm tổng kết, điểm thi học kỳ của tôi, đồng thời khoe điểm của con họ. 

Vào mạng đọc báo thì đâu đâu cũng nói về thi cử. Lại còn cả ảnh bố con, mẹ con đứng ôm nhau khóc sau giờ thi. Tự dưng tôi tưởng tượng ra cảnh mẹ tôi gầy gò, tóc bạc trắng, đứng vịn vào hàng rào cổng trường, khóc ngất đi vì tôi không làm được bài. Nghĩ đến đó thôi tôi đã phải tắt ngay điện thoại đứng dậy ra mở tivi xem giải khuây. Nhưng đen cho tôi là đúng lúc chương trình thời sự. Lại ra rả thông tin về kỳ thi. Cứ như thể ngàn ống kính đang chiếu thẳng vào mặt tôi. Lại vội tắt ngay tivi trước khi bố mẹ nghe thấy.

Trở về phòng, cầm điện thoại lên, định gọi mấy đứa bạn để buôn chuyện một chút cho đỡ buồn. Đứa thì than thở đang ở lớp luyện thi, đứa thì thào vài câu “tao đang học” rồi tắt máy. Có lúc, tôi chỉ ước mình bỗng dưng biến mất, đến một nơi thật xa, nơi không phải học hành, thi cử, để tôi được hít thở bầu không khí trong lành.

… Cuối cùng, ngày thi cũng đến. Trước một ngày, mẹ cho tôi nghỉ ngơi, để xả stress. Mẹ đưa tôi lên Hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền, ra hẳn Hồ Tây ăn món phở cuốn tôi thích, cho tôi đi uống trà sữa thoải mái. Buổi tối, mẹ làm lẩu hải sản. Bố mẹ gắp thức ăn lia lịa cho tôi. Mỗi lần gắp lại đệm thêm một câu “Chúc con của bố mai thi tốt này!”, “Đây, ăn cái này cho thông minh, mai phải được điểm 10 nghe chưa”. Thức ăn ê hề mà tôi không nuốt nổi. Mọi người cười nói vui vẻ mà tôi cứ thấy héo hắt trong lòng. Bất giác, tôi tưởng mình đang được ăn bữa no cuối cùng, trước ngày xử bắn…

MỚI - NÓNG