Giáo dục bằng tình yêu và sự logic
Lê Phương Thảo (SN 1993) tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm tiếng Anh, được nhận giảng dạy tại trường TH Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Sau hai năm đứng lớp, Thảo tạm dừng công viêc, tìm cơ hội xuất ngoại để khám phá bản thân và tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới. Ước muốn của cô trở thành hiện thực khi được trường liên cấp Alpha Language School (Cairo, Ai Cập) lựa chọn sau nhiều vòng xét tuyển, phỏng vấn.
Thảo có 9 tháng dạy học theo chương trình thực tập có trả lương. Tuy nhiên, chỉ sau hai tuần dạy thử làm quen, Thảo được nhà trường tín nhiệm chọn làm giáo viên đứng lớp chính. Cô phụ trách giảng dạy các môn học về khoa học, kỹ năng nghe tiếng Anh và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh mầm non và các lớp tiểu học.
Những ngày dạy học ở Ai Cập, Thảo có nhiều trải nghiệm thú vị, bài học về yêu thương. Cô kể, bản thân có sự thay đổi trong cách giảng dạy và muốn áp dụng khi trở về Việt Nam là phương pháp “love and logic” – giáo dục bằng tình yêu và sự logic, không áp đặt mà lắng nghe học sinh, giải quyết các tình huống sư phạm một cách logic, không khiến học sinh cảm thấy tiêu cực. Khi học sinh mắc lỗi, giáo viên không mắng mỏ hay đưa ra hình phạt, mà sẽ có thời gian gặp nói chuyện, phân tích cho học sinh hiểu, cuối cùng sẽ ôm học sinh và nói: “I love you”. Cô cũng đã rất cảm động khi được học sinh đón từ hành lang; phần thưởng sau những tiết học thú vị là học sinh chạy đến ôm hôn và nói: “Thank you. I love you so much!”.
Thảo còn ấn tượng, ở trường bản địa không có cuộc thi sắp xếp ngẫu nhiên các lớp với nhau. Nhà trường thường tổ chức các dự án theo từng khối, học sinh sẽ tìm hiểu một vấn đề bất kỳ và tạo ra những sản phẩm theo từng chủ đề như: Green Day, Culture Day, Fun Day… Ở đây, nhà trường tổ chức họp phụ huynh theo hình thức 1-1, khác với ở các trường Việt Nam. Từng phụ huynh sẽ trò chuyện trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn.
Hành trang cho tương lai
Sau Ai Cập, Lê Phương Thảo chuẩn bị cho kế hoạch đến đảo quốc Sư tử Singapore trải nghiệm, học hỏi về giáo dục. “Tôi đang theo học Montessori, một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới và phát triển trên thế giới. Sau khi học xong, tôi sẽ có đầy đủ hành trang để tiếp tục chuyến hành trình”.
Lý giải việc khám phá bản thân, trải nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Thảo cho biết: “Từ khi ở Việt Nam, tôi đã nghe nhiều cụm từ công dân toàn cầu và thấy rất tò mò, phấn khích. Tìm hiểu trên mạng, sách báo, tôi thực sự mong muốn trở thành một công dân toàn cầu, có những trải nghiệm về văn hóa, trải nghiệm về những sự khác biệt, cũng như đi để tìm hiểu bản thân. Theo xu hướng thế giới, học sinh trong tương lai cũng trở thành công dân toàn cầu, tôi là giáo viên, vì vậy cần phải trở thành một công dân toàn cầu trước đã”.
Những ngày tại Ai Cập, Thảo đã có cơ hội trải nghiệm, mở rộng kiến thức và tầm nhìn. Cô có dịp khám phá vẻ đẹp của những lăng mộ huyền bí, đến ngôi làng Nobian mà người dân nuôi cá sấu làm thú cưng; biết thêm về đạo Hồi, lễ hội Ramadan được gọi là lễ hội của yêu thương, gột rửa tâm hồn và thanh lọc cơ thể. “Trong những ngày diễn ra lễ hội Ramadan, đến lúc mặt trời lặn, bạn sẽ được phát đồ ăn miễn phí, đi đến đâu họ cũng muốn làm những điều tốt cho bạn”, Thảo nói. Ngoài ra, có dịp giao lưu, kết thêm nhiều người bạn nước ngoài khác đang học tập, làm việc tại Ai Cập.
Thảo khẳng định, chuyến đi đã giúp cô trưởng thành hơn rất nhiều, định vị được bản thân và biết mình muốn gì, biết cách nhìn một việc theo nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt, cảm nhận rõ hơn trách nhiệm, tinh thần tự tôn dân tộc khi giới thiệu về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam. “Tôi thực sự rất tự hào, hạnh phúc khi mọi người thích tà áo dài, học sinh gặp và nói xin chào bằng tiếng Việt”, Thảo nói.
“Tôi thực sự mong muốn trở thành một công dân toàn cầu, có những trải nghiệm về văn hóa, trải nghiệm về những sự khác biệt, cũng như đi để tìm hiểu bản thân. Theo xu hướng thế giới, học sinh trong tương lai cũng trở thành công dân toàn cầu, tôi là giáo viên, vì vậy cần phải trở thành một công dân toàn cầu trước đã”.
Lê Phương Thảo