932 tỷ đồng các bộ, địa phương muốn trả lại được đề xuất đầu tư cho ba dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, được đề xuất cho lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để bổ sung và đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông.

Chiều 29/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường, xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong tổng số 176.000 tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 172.568 tỷ đồng cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chính phủ kiến nghị phân bổ 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình.

Với số vốn còn lại chưa thông báo cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương là 3.432 tỷ đồng, trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo nhưng bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư. Với số vốn còn lại này, dự kiến sẽ bố trí 2.500 tỷ đồng cho dự án nâng cấp quốc lộ 4B, Lạng Sơn.

Với 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm, được đề xuất cho lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để bổ sung và đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông (cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định).

Về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022, Chính phủ trình phương án điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch là 3.350,151 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung 39.205,353 từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết, về tổng số vốn 176.000 tỷ đồng, đa số ý kiến nhất trí ban hành nghị quyết để phân bổ chi tiết theo ngành, lĩnh vực đối với số vốn này và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về số vốn 13.080 tỷ đồng còn lại, đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực y tế là cần thiết, cấp bách nhất trong thời gian vừa qua, nhưng việc hoàn thiện thủ tục, đề xuất phân bổ cho các dự án thuộc lĩnh vực này thực hiện rất chậm.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân việc chậm trễ, sự cần thiết, tính hợp lý của việc thay thế toàn bộ dự án; khả năng triển khai, thực hiện, giải ngân khi đến nay vẫn chưa đủ thủ tục đầu tư.

Đối với 25 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm là 2.054,999 tỷ đồng, ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị giải trình làm rõ lý do, sự cần thiết của việc thay đổi tên danh mục dự án.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí phân bổ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất (2%) và 300 tỷ đồng cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, đề nghị báo cáo khả năng giải ngân và có giải pháp cụ thể để triển khai nguồn vốn này trong năm 2022, 2023.

MỚI - NÓNG