911 thương hiệu Việt

Lễ Tết, hay dịch bệnh, khi có tin báo, tàu SAR 412 sẵn sàng lên đường ứng cứu. Ảnh: Thanh Trần
Lễ Tết, hay dịch bệnh, khi có tin báo, tàu SAR 412 sẵn sàng lên đường ứng cứu. Ảnh: Thanh Trần
TP - Họ không phải là những người ở tuyến đầu chống dịch, nhưng chịu nguy cơ lây nhiễm và mức độ nguy hiểm đến tính mạng còn cao hơn gấp bội. Bất kể là ai, người đã đi qua vùng dịch hay có yếu tố dịch tễ mù mờ, khi gặp hoạn nạn, chỉ cần lên tiếng, họ sẵn sàng lên đường ứng cứu.

Họ là những “chiến binh” âm thầm mà dũng cảm của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng (Da Nang MRCC). Ở xứ cờ hoa nổi tiếng đơn vị cứu nạn, cứu hộ 911, Da Nang MRCC có thua kém gì?

Biết bị cách ly, vẫn lên đường

Một ngày gần cuối năm, Trung tâm nhận tin báo từ đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) có một cô giáo sốt cao đã ba ngày được cấp cứu tại bệnh xá, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Khi ấy, biển đang có sóng cao 3-4 mét, gió giật cấp 7 khiến đảo bị cô lập, chính quyền địa phương yêu cầu Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp đưa cô giáo vào đất liền chữa trị. Không chần chờ, tàu SAR 274 tức tốc lên đường. Hay tin bệnh nhân bị sốt, một ê-kíp trên tàu đã chuẩn bị sẵn sàng đồ bảo hộ. Từ khi đáp Bãi Làng trên đảo để tiếp cận đưa cô giáo lên thuyền rồi vào bờ, ê-kíp này vẫn trong bộ đồ bịt bùng, tuân thủ mọi hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19. “Những trường hợp có dấu hiệu của COVID-19 như ho, sốt…, chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi tiếp cận và ứng cứu. Ê-kíp tiếp xúc sẽ mang đồ bảo hộ, ở khu vực riêng cho đến khi có thông báo từ bệnh viện bệnh nhân “nằm trong vùng an toàn”, họ mới sinh hoạt lại bình thường”, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm, nói.

Ông Thịnh còn kể  về lần giúp một ngư dân tỉnh Trà Vinh. Anh ngư dân làm việc trên tàu cá bị rơi xuống biển, được một tàu của Na Uy phát hiện, cứu vớt. Nghe tin ngư dân bình an, ai nấy mừng ra mặt, Trung tâm chỉ việc tới tiếp nhận trên vùng biển Đà Nẵng. Nhưng khổ nỗi, con tàu Na Uy này có hải trình phức tạp, đi qua nhiều nước có dịch như Singapore, Gabon, Nigeria…, trên tàu lại có nhiều thủy thủ nên việc thẩm tra tình trạng sức khỏe rối như tơ vò. Biết rõ đi về sẽ bị cách ly, hai nhân viên trên tàu SAR 412 vẫn khẩn trương mang đồ bảo hộ, cùng anh em đạp sóng ra khơi. “Trước khi đi chúng tôi cũng xác định rồi, người ta bị gì thì mình cũng sẽ bị cách ly theo thôi. Nhưng đã là cứu nạn, ai màng tới chuyện ấy. Khi ra tới gần tàu Na Uy, tôi và một người nữa đi xuồng sang, sau khi hoàn thành các thủ tục, chúng tôi mang đồ bảo hộ cho ngư dân rồi đưa về tàu mình. Tàu cập cảng, ngư dân lên bệnh viện, chúng tôi ở trong khu cách ly của Trung tâm”, anh Trần Hồ Dũng kể. “Chiến binh” 14 năm đi cứu nạn trùng khơi này nói rằng, chuyến biển ấy, để an toàn cho cả tàu, anh và thuyền viên đi xuồng sang tàu nước ngoài đã đứng trên boong, không vào trong buồng lái cho đến lúc lên bờ.

Ông Thịnh trầm ngâm, bao nhiêu năm anh em đối mặt hàng ngàn ca cứu nạn, mỗi ca một kiểu. Sóng cả, cuồng phong không sợ, khó khăn không sợ, nhưng bây giờ lại sợ chính người hoặc tàu gặp nạn. “Sợ họ khai báo không trung thực. Chỉ cần giấu giếm về triệu chứng hoặc dịch tễ sẽ gây hậu quả khôn lường. Không chỉ nhân viên trên tàu và hệ thống cứu hộ mà còn ảnh hưởng cả cộng đồng”, ông nói. Thành thử, mỗi lần nhận tin yêu cầu hỗ trợ, việc xác minh rất gian nan, nhất là với những tàu đi qua vùng biển nước ngoài. Trung tâm phải rà, lọc từng chi tiết một, như trong 14 ngày có qua vùng dịch không, qua thì có lên bờ không, thuyền viên trên tàu có ai có triệu chứng không… “Xác minh là việc phải làm, xác minh ra trên tàu có người mắc COVID-19 thì chúng tôi vẫn phải đi thôi. Chúng tôi không bao giờ chọn lọc hay từ chối”, ông Thịnh khẳng định.

911 thương hiệu Việt ảnh 1

Những “chiến binh” áo cam cứu ngư dân gặp nạn trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Da Nang MRCC

Ăn cơm “bụi” giữa biển

Mỗi lần đi cứu nạn, tàu SAR 412 hay SAR 274 thường chở theo khoảng 20 người cả nhân viên Trung tâm lẫn đội ngũ y tế. Tàu rộng, chia thành nhiều khu nên việc ăn ở, ngủ nghỉ cũng thoải mái. Thế rồi từ ngày có dịch, mọi sinh hoạt trên tàu được siết chặt. Mỗi lần đi cứu nạn trường hợp có nguy cơ, Trung tâm bố trí một ê-kíp 4 - 5 người để sang tiếp cận. Ê-kíp này khi đưa nạn nhân về tàu sẽ được bố trí một khu riêng, hoàn toàn tách biệt với những thuyền viên còn lại. Trong ấy đã chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết, nếu cần thêm cứ gọi, anh em trên tàu sẽ đặt ở cửa để họ tự lấy. Khu vực này cũng được theo dõi qua camera. Suốt hành trình từ ngoài khơi vào đất liền, ê-kíp này tuân thủ việc cách ly như thế, hoàn toàn không tiếp xúc gần với những người còn lại.

Đưa tôi xem hình ảnh những khay cơm trên tàu, thuyền trưởng Trần Quang Thanh tâm sự, bao năm lèo lái SAR 412, tới giờ cơm, anh em thường quây quần bên bàn như ở nhà. Còn giờ đi cứu những ca nghi ngờ, cả tàu phải chia thành từng ca để ăn. Mỗi ca vài người, tản ra từng góc. Ăn xong về lại phòng nhường chỗ cho ca tiếp theo, nhanh gọn. “Người nào ôm khay nấy, coi như ăn cơm bụi giữa biển, thế mà vui”, thuyền trưởng nói.

Chuyến cứu nạn đáng nhớ nhất

Tôi hỏi một năm cứu nạn giữa trùng khơi trong đại dịch COVID-19, mọi người nhớ nhất chuyến nào? Cả trung tâm chẳng ai bảo ai, nhắc ngay đến chuyến cứu nạn thuyền viên tàu QNa 90099 trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Hôm đó, sáng 24/7, tin tàu cá QNa 90099 có thuyền viên bị tai biến báo về, SAR 412 lên đường. Lúc rời cảng, Đà Nẵng vẫn còn bình yên. Tới chiều tối hôm sau (25/7), Bộ Y tế thông báo có ca COVID-19 trên địa bàn, thời điểm ấy, tàu SAR 412 cũng đã tiếp cận được tàu cá. Dự đoán tình hình dịch bệnh ở thành phố sẽ căng thẳng, tàu SAR 412 được chỉ đạo bẻ lái đưa ngư dân bị nạn hướng về phía Quy Nhơn (Bình Định). Những ngày sau, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, người từ Đà Nẵng đến các tỉnh thành khác bị cách ly… “Tình thế đó buộc chúng tôi phải yêu cầu tàu SAR 412 tiếp tục ở lại vùng biển Quy Nhơn, để khi có tín hiệu cấp cứu sẽ sẵn sàng lên đường. Nếu về Đà Nẵng rồi đi cứu nạn ở địa phương khác sẽ bị cách ly cả tàu. Lúc ấy, SAR 412 như đứa con có “nhà” nhưng không thể về vậy”, ông Thịnh nhớ lại.

911 thương hiệu Việt ảnh 2

Cứu nạn trong mùa dịch, các nhân viên của Da Nang MRCC phải mang đồ bảo hộ, tuân thủ các quy định phòng dịch. Ảnh: Da Nang MRCC

“Vậy ở lại bao lâu?”, tôi hỏi. “47 ngày”, thuyền trưởng Thanh đáp nhanh, chẳng cần nhẩm tính. Chưa chuyến cứu nạn nào bị mắc kẹt trên biển lâu đến thế thì làm sao vị thuyền trưởng này quên được. Suốt khoảng thời gian đằng đẵng ấy, tàu chỉ cử hai người lên bờ mua nhu yếu phẩm, mỗi lần đi về dùng gần cả tuần. Thuyền trưởng Thanh chia sẻ: “Vùng vẫy biển khơi quen rồi, giờ nằm yên trên tàu vậy chồn chân, bức bí lắm chứ. Nhưng Trung tâm đã yêu cầu ở yên để mọi tình huống xảy ra đều có tàu đi cứu nạn thì mình phải tuân thủ. Cả nước đang chung sức chống dịch, mình cũng phải chịu khó, chung tay”.

Đà Nẵng đã ở trạng thái bình thường mới, anh em vẫn dặn nhau chú trọng tới sức khỏe, tuân thủ việc phòng dịch, hạn chế đi tới nơi đông đúc để không xảy ra tình huống xấu có người trong Trung tâm nhiễm bệnh làm ảnh hưởng tới lực lượng cứu nạn.

Những ngày này, Tết sắp về, ông Thịnh hào hứng bảo trung tâm đã lên dây cót tinh thần đón một cái Tết với nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, trong đó có tình huống dịch bệnh quay trở lại. “Thì mình sống chung với dịch bệnh thôi, không sợ, không hoang mang. Trung tâm đã có kịch bản ứng phó, bố trí nhân viên đảm bảo trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đầy đủ lực lượng để lên đường”, ông nói.

Tính đến ngày 25/12, Da Nang MRCC đã cứu được 323 người, lai dắt về bờ 2 phương tiện. Có 9 vụ cứu nạn được thực hiện tại quần đảo Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.