ThS. bác sĩ Hồ Ngọc Minh, khoa Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec), cho hay về lí thuyết, với chấn thương dạng này, Xuân Son có đủ khả năng quay trở lại phong độ như trước. Tuy nhiên trên thực tế, việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Phẫu thuật và chẩn đoán chính xác chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi 90% khả năng trở lại thi đấu chuyên nghiệp phụ thuộc vào quá trình phục hồi hậu phẫu. Những phương pháp phục hồi chuyên sâu, từ vật lí trị liệu đến việc tối ưu hóa chế độ dinh dưỡng và luyện tập, mới là yếu tố then chốt giúp vận động viên phục hồi nhanh chóng và hiệu quả, quay lại đỉnh cao sự nghiệp”, bác sĩ Minh nói.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của cầu thủ Xuân Son sau mổ. |
Các chuyên gia y học thể thao nhận định, với vận động viên chuyên nghiệp, yêu cầu về hoạt động thể chất phải đạt tối đa, vượt rất xa ngưỡng vận động của người bình thường. Do đó, các tiêu chuẩn cũng cao hơn rất nhiều. “Êkip điều trị phải tính toán chi tiết lượng calo trong từng bữa ăn, từng bài tập cho mỗi ngày, tính toán thời điểm quay trở lại tập luyện cùng đội cũng như tham vấn chuyên gia tâm lí để giúp cầu thủ có tinh thần tốt nhất trong quá trình điều trị”, bác sĩ Minh chia sẻ. Giai đoạn tiếp theo, vận động viên này sẽ được điều trị theo phác đồ tổng thể bao gồm chăm sóc hậu phẫu, chăm sóc tâm lí, tập phục hồi chức năng, kiểm soát dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia y học thể thao, gãy thân xương cẳng chân là một tổn thương khá thường gặp; phẫu thuật kết hợp xương đinh nội tủy xương chày là một phẫu thuật thường quy. Nhưng kết hợp xương đinh nội tủy có chốt mà không mở ổ gãy ở trường hợp của Xuân Son đòi hỏi ekip phẫu thuật viên phải tính toán rất chi tiết các phương án phẫu thuật, đo đạc và lựa chọn chính xác kích chủng loại, kích cỡ đinh, vít bằng phần mềm mô phỏng trước phẫu thuật, cũng như phối hợp nhịp nhàng của các thành viên.
Cá thể hóa điều trị
ThS. bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Tú Nam, Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp và Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec), cho rằng điều khó nhất trong ca phẫu thuật của Xuân Son là đòi hỏi về sự hoàn thiện và tính cá thể hóa của quá trình điều trị. Theo đó, đánh giá đầy đủ các thương tổn, sau đó kết hợp xương đủ vững chắc, không làm nặng thêm tổn thương xương cũng như ảnh hưởng các cấu trúc lành để đảm bảo quá trình phục hồi nhanh nhất cho vận động viên.
“Trường hợp của Xuân Son là một ổ gãy thân xương phức tạp thay vì ghi nhận ban đầu là một ổ gãy đơn giản: một mảnh rời to hình chêm (tam giác) kích thước chiều dài lên đến 7cm nằm ở thành sau của xương chày; vết nứt xuống dưới nguy cơ có thể tách ra thành một mảnh rời nữa. Việc đóng đinh nội tủy kín - tức nắn chỉnh qua da mà không mở ổ gãy sẽ khó kiểm soát các mảnh rời và đường nứt này. Nếu không khéo léo, có thể khiến các mảnh rời gãy vụn và đi lệch, hoặc bong rời các mảnh gãy này dẫn đến làm chậm và ảnh hưởng đến quá trình liền xương và phục hồi. Để đảm bảo tính kịp thời và kết hợp xương vững chắc, một số phẫu thuật viên có thể sẽ cần mở ổ gãy để nắn chỉnh và cố định các mảnh rời. Điều này sẽ làm chậm quá trình liền sinh lí của ổ gãy. Ngoài ra, kích thước ống tủy cũng khá lớn, xương chày lại dài nên cần tính toán kĩ càng để lựa chọn kích cỡ đinh và vít phù hợp nhất để đảm bảo kết hợp xương đủ chắc chắn mà không làm tổn thương thêm các cấu trúc lành. Một điểm khó khăn nữa trong ca mổ của Son đó là kích thước và trọng lượng cơ thể lớn nên cũng gây ra không ít khó khăn cho cả ekip trong từng thao tác kĩ thuật”, bác sĩ Nam thông tin.
Mục tiêu 1-2 tuần đầu
Sau phẫu thuật, Xuân Son cần tuân thủ phác đồ tập luyện một cách khoa học, bao gồm kiểm soát thời gian, mức độ chịu trọng lượng, các bài tập phù hợp cho cả vùng chấn thương lẫn toàn thân, nhằm duy trì thể lực và thúc đẩy quá trình liền xương hiệu quả. ThS Nguyễn Quyết Thắng, kĩ thuật viên trưởng tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec), cho hay thách thức lớn nhất trong trường hợp của Xuân Son là việc chuyển đổi từ hoạt động cường độ cao sang trạng thái chấn thương, buộc phải hạn chế vận động.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng về thể chất mà còn cả tinh thần, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như dinh dưỡng, tâm lí, phục hồi chức năng, phẫu thuật, cùng sự hiểu biết và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của Xuân Son. Vì thế trong 1-2 tuần đầu, mục tiêu của các bác sĩ là giúp Xuân Son kiểm soát đau, kích hoạt thần kinh cơ, phục hồi khả năng di chuyển và phòng ngừa các biến chứng nếu có. Các giai đoạn tiếp theo hướng đến tăng cường sức mạnh, cải thiện tầm vận động, thăng bằng và chuẩn bị thể lực. Sau 6 tháng tập luyện cường độ tối đa, nếu đạt tiêu chuẩn, Xuân Son sẽ được phép thi đấu trở lại”, ThS Thắng nói.
Giai đoạn đầu, Xuân Son được hỗ trợ bởi thiết bị hiện đại như hệ thống chườm lạnh tiêu chuẩn châu Âu, máy kích thích điện giảm đau, ngăn ngừa teo cơ, robot hỗ trợ tập luyện, cùng hệ thống tập cơ phản hồi sinh học từ Đức và hệ thống thăng bằng tĩnh động chuyên nghiệp. Để tối ưu hóa kết quả, chế độ dinh dưỡng được theo dõi hằng ngày, dựa trên nhu cầu cá nhân và cường độ luyện tập.
“Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, chúng tôi đã phẫu thuật cho rất nhiều vận động viên đỉnh cao của bóng đá Việt Nam, đa phần đều là trụ cột của câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, điển hình như Thái Thị Thảo, Chương Thị Kiều thi đấu ở World Cup sau những chấn thương dây chằng rất nặng, Nguyễn Thị Vạn vô địch cúp quốc gia cũng sau chấn thương đứt dây chằng, Nguyễn Văn Toản bắt chính ở SEA Games sau phẫu thuật khớp vai 6 tháng, Lê Văn Xuân trở lại đội hình của câu lạc bộ Hà Nội sau 1 năm... và còn rất nhiều trường hợp điều trị không phẫu thuật khác. Vì vậy chúng tôi tin rằng, trường hợp của Xuân Son cũng hoàn toàn có khả năng phục hồi một cách tốt nhất để trở lại cống hiến cho bóng đá đỉnh cao”, bác sĩ Minh nói.