8 ngân hàng cho vay 50.000 tỷ đồng gỡ khó bất động sản

 Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ có 8 ngân hàng cùng tham gia. Ảnh: Hoàng Lan.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ có 8 ngân hàng cùng tham gia. Ảnh: Hoàng Lan.
Chương trình liên kết "4 nhà" vừa nhận được cam kết tín dụng từ 8 ngân hàng, quy mô cũng có thể vượt mức 50.000 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố tại buổi hội nghị tổ chức chiều 17/4, 8 ngân hàng đã đăng ký với Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước để tham gia chương trình liên kết 4 bên. Đây là sản phẩm tín dụng mà các ngân hàng ký hợp đồng liên kết với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát dòng vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản. Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình này không giới hạn quy mô. Tuy nhiên, đến nay, 8 ngân hàng đã cam kết cho vay 50.000 tỷ đồng.

Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được giao làm đầu mối tham gia cùng 7 ngân hàng khác là Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBank), Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank).

Riêng VNCB, đơn vị này cho biết sẽ cấp khoảng 10.000 tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho vật liệu xây dựng và được quay vòng trong 2014 với các hình thức như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh vay vốn… Qua đó, hàng hóa là vật liệu xây dựng sẽ được trả đến tận chân các dự án, công trình xây dựng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, số tiền 50.000 tỷ đồng hỗ trợ ngành xây dựng và bất động sản sẽ giúp sự dịch chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào song song với sự dịch chuyển tiền tệ. Hai khâu này theo ông Hiếu, dù tách biệt nhưng là hai mặt của đồng tiền và phải gắn bó mật thiết. "Thực tế, những năm gần đây cho thấy hai khâu này ngày càng tách rời nhau và gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Điều này dẫn đến hàng hoá ứ đọng, không có người mua", ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cho rằng, việc liên kết 4 nhà sẽ liên kết được khâu hàng hoá và tiền tệ, kiểm soá dòng tiền. Đồng thời, chương trình này sẽ giúp hoàn thành và đẩy mạnh thiêu thụ các sản phẩm bất động sản.

Ông Đỗ Văn Quất, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh cho hay, thông qua chuỗi liên kết 4 nhà, các nhà sản xuất, phân phối sẽ hạn chế tối đa rủi ro khi thanh toán với khách hàng. Nhà đầu tư, nhà thầu sẽ đảm bảo dự án đúng tiến độ do được ngân hàng giám sát… "Chuỗi liên kết 4 nhà sẽ kháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho đồng thời giúp các doanh nghệp sản xuất kinh doanh phát triển ổn định", ông Quất bày tỏ.

Trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, như khó tiếp cận nguồn vốn, tồn kho lớn, mô hình liên kết 4 nhà sẽ phát huy tác dụng khi áp dụng cho các công trình nội đô và khu đô thị mới.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia cho rằng, liên kết 4 nhà sẽ khắc phục được tình trạng nhà thầu sau khi làm xong sau không thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công. Từ đó chấm dứt tình trạng 3 nhà chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết: ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư. Trong mô hình này, VNCB đứng ra làm ngân hàng cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản nhằm giúp các đơn vị này vượt khó. Nhà băng cũng cho biết gói tín dụng đã có thêm 4 ngân hàng khác là BIDV, Agribank, VCB, Vietinbank cam kết tham gia.

Đến ngày 4/4, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này cũng đang nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng tương tự. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của chương trình này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bất động sản mà áp dụng chung trong xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế. Ngân hàng Nhà nước có thể giao cho một một ngân thương mại quốc doanh làm đầu mối thực hiện. Thông tin công bố tại hội nghị 18/4 có thể xem là việc hợp nhất 2 chương trình này.

Theo Hoàng Lan - Thanh Lan

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG