Không có cô Hải chắc con bé phải nghỉ học!
7h sáng, cô bé Nguyễn Thị Thu Thủy (6 tuổi) đầu tóc gọn gàng, áo quần chỉnh tề chạy ra trước cổng khi nghe tiếng xe máy của chị Hải từ xa. Chị Hải dừng xe, cẩn thận đội mũ bảo hiểm, cài áo khoác cho Thủy rồi đỡ lên xe. Chị Hải làm xe ôm miễn phí cho Thủy suốt 3 năm nay.
Thủy là cô bé mồ côi. Lọt lòng em đã không biết mặt cha, đến khi 17 tháng tuổi mẹ mất vì tai nạn đuối nước. Từ đó em ở với bà ngoại. Hai bà cháu ở trong căn nhà tuềnh toàng che mưa nắng, đùm bọc nhau. Có mảnh ruộng cằn tạm đủ để bà cháu rau cháo qua ngày. Trớ trêu thay, 4 năm nay bà lại mắc bệnh hở van tim, ngày 3 bận uống thuốc, chẳng còn đủ sức làm việc. “Tội nghiệp nó quá. Nếu không có cô Hải chắc con bé cũng phải nghỉ học mất thôi” - bà Nguyễn Thị Xuân (60 tuổi, bà ngoại của Thủy) nhìn đứa cháu ngoại mà mắt ngân ngấn nước.
Đều đặn mỗi ngày chị Hải là người đưa đón Thủy đến trường, bất kể mưa nắng vẫn đến lớp đúng giờ. Ban đầu Thủy rất khó tiếp xúc, chị Hải phải mất một thời gian làm quen, mới khiến cô bé thay đổi. Giờ thì suốt chặng đường hơn 6 cây số từ nhà tới trường cô bé tíu tít cười nói, kể đủ thứ chuyện với chị. Con đường từ nhà tới trường ngoằn ngoèo trở nên ngắn ngủi.
Thủy khoe, chiếc cặp sách màu hồng vừa được cô Hải mua tặng hồi đầu năm học cùng với bộ quần áo mới. Cô còn chở đi học thêm, đóng tiền ăn trưa cho Thủy.
“So với chúng bạn, Thủy thiệt thòi nhiều, nên mình ráng giúp được chút gì thì giúp, động viên tinh thần em chăm ngoan học tập. Bà ngoại Thủy sức khỏe đang yếu dần, mình đang bàn với chồng, mai này nhỡ bà có nằm xuống mà bé Thủy không ai trông thì đưa bé về nhà nuôi”- chị Hải nói.
Những chuyến xe nối dài ước mơ tới trường
Bao năm nay, người dân ở Tam Lộc đã quen với hình ảnh người phụ nữ tất tả đưa đón “con người dưng”. Cũng vì công việc bao đồng này mà cuộc sống của chị trở nên bận rộn hơn. Nhưng với chị, đó là hạnh phúc, đem lại niềm vui cho các em nhỏ.
Trước bé Thủy, chị Hải đã chở 6 em khác có hoàn cảnh tương tự. Năm học 2013 - 2014, khi còn là kế toán trường Mẫu giáo Tây Hồ (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc), trong một lần thực hiện phân công của nhà trường về điều tra phổ cập giáo dục, chị Hải tình cờ phát hiện trường hợp hai anh em sinh đôi Nguyễn Đỗ Thiết, Nguyễn Đỗ Trình có hoàn cảnh rất khó khăn, ba mẹ đi làm ăn xa, 2 cháu phải nương tựa bà nội.
Bà nội của Thiết, Trình nói ở nhà giờ không có ai, bà thì đã lớn tuổi lại không có phương tiện đi lại nên cho cháu ở nhà. Chị động viên gia đình cho hai anh em đi học, còn việc đưa đón chị xin đảm nhận, hứa đảm bảo an toàn. Hằng ngày chị Hải dậy từ sáng sớm chăm lo cho con của mình, rồi đến đón Thiết, Trình đưa đến lớp. Chị đều đặn từ sáng đến tối, từ ngày này sang tháng nọ, kể cả khi chị mang thai, ốm đau cũng cố gắng đảm bảo cho 2 cháu đến lớp, không nghỉ ngày nào.
Những năm học sau đó, 2014-2015, chị Hải tiếp tục đưa đón cháu Vương Quốc Bảo đến lớp do ba mẹ không có phương tiện đi lại; năm học 2015-2016 và 2016-2017 chị Hải nhận đưa đón cháu Nguyễn Ngọc Thanh Hằng, Nguyễn Ngọc Mỹ Hạnh, do ba mẹ các cháu ly hôn, phải sống với bà ngoại, gia đình thuộc diện hộ nghèo; năm học 2017 - 2018, chị tiếp tục nhận đón thêm cháu Nguyễn Thị Thủy.
Chị nghĩ, không ai được chọn cho mình một hoàn cảnh để sinh ra. Các em còn quá nhỏ để đối mặt và vượt qua những khó khăn đó, nên sự chia sẻ, giúp đỡ dù nhỏ nhưng đúng lúc sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong cuộc sống. Với chị, việc giúp đỡ, đưa đón các em tới trường chẳng có gì là to tát cả.Chị thấy vui khi nhìn các em mỉm cười.
“Việc chở miễn phí các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường của cô Hải tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, đặc biệt là đối với học sinh vùng quê nghèo. Nhà trường luôn nêu gương điển hình tiên tiến, đồng thời vận động đội ngũ giáo viên cùng tham gia giúp đỡ các em. Ðiều đáng mừng là hiện nhiều thầy cô chung tay giúp đỡ hoặc vận động các mạnh thường quân giúp đỡ các em học sinh nghèo như sách, vở đồng phục, kinh phí ăn ở bán trú tại trường”.
Thầy Nguyễn Ngọc Thạch - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi