Trò chuyện cùng phóng viên Tiền Phong, Thượng tá Trần Duy Hiển kể lại những tình tiết ít người biết xung quanh việc Đại tá Trần Tấn Nghĩa cùng lực lượng công an cách mạng non trẻ vây bắt thành công bọn phản động tại phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cách đây 71 năm.
Âm mưu thâm độc
Thượng tá Trần Duy Hiển cho biết, Đại tá Trần Tấn Nghĩa, tức Nguyễn Bá Hùng (SN 1925 tại Lệ Thủy, Quảng Bình) từ nhỏ đã được cha mẹ cho ăn học tử tế, học đến hết bậc Thành chung ông thi đậu vào Trường Thủy quân Ba Son của Hải quân Pháp.
Năm 1944, ông Nghĩa ra Hải Phòng thực tập và được những người yêu nước của Việt Minh tiếp xúc, giới thiệu với Nguyễn Bình (người sau này trở thành một vị tướng nổi tiếng của quân đội ta) và nhiều nhân sĩ, trí thức khác như nhạc sĩ Văn Cao, Văn Chắt... Cách mạng Tháng Tám thành công, với tố chất của một thanh niên sôi nổi, hoạt bát, biết tiếng Pháp lại giỏi võ, ông Nghĩa được đoàn thể lựa chọn vào lực lượng công an non trẻ, tham gia Đội danh dự trừ gian và trở thành đội trưởng trinh sát đặc biệt của Phòng Chính trị, Sở Công an Bắc Bộ.
Từ tháng 3 đến tháng 9/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tiếp mở mặt trận ngoại giao nhằm tránh một cuộc chiến với Pháp. Nổi bật là Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau và chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nước Pháp từ tháng 6 đến tháng 9 cùng năm.
Trong thời gian này tại Việt Nam, các tổ chức phản động liên tiếp tổ chức những hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền cách mạng, đặc biệt nguy hiểm là âm mưu đảo chính được biết đến với cái tên “Vụ án Ôn Như Hầu” dự kiến diễn ra đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1946, nhưng đã bị lực lượng công an cách mạng chặn đứng…
Cuối tháng 8/1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch vượt biên giới phía Bắc vào nước ta để giải giáp sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh từ vĩ tuyến 16 trở ra, kéo theo nhiều tổ chức Việt gian phản động. Chúng đã giúp bọn Việt quốc, Việt cách lập chính quyền phản động ở một số nơi như Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái.
Quân Tưởng tuyên bố “thời gian ở lại Việt Nam là không hạn định”. Chúng chiếm đóng nhiều vị trí trọng yếu trong thành phố và luôn tìm cớ khiêu khích, nổ súng vào lực lượng ta. Ỷ thế quân Tưởng, bọn phản động đua nhau tập hợp lực lượng, lập ra “Mặt trận quốc gia chống Pháp” và các tổ chức vũ trang như “Thiết huyết đoàn”, “Thần lôi đoàn”, “Đội hùm xám”… để tiến hành ám sát, bắt cóc, tống tiền.
Chúng đã tổ chức nhiều vụ bắt cóc, trong đó có vụ thủ tiêu ông Trần Đình Long, một cốt cán của cách mạng và tiến hành một số vụ khủng bố, ám sát khác nhằm vào những nhân sĩ, trí thức…
Theo hồi ức của Đại tá Trần Tấn Nghĩa, cuối tháng 6/1946, lãnh đạo Nha Công an Trung ương nhận được thông tin các đảng phái phản động cấu kết với quân Pháp đang ráo riết thực hiện kế hoạch gây rối, lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Nguồn tin được phối kiểm và giao cho hai điệp viên H120 và C3 của ta cài trong hàng ngũ địch làm rõ.
Theo đó, Pháp sẽ tổ chức diễu binh trên một số đường phố Hà Nội dịp Quốc khánh Pháp 14/7. Quốc dân đảng sẽ bố trí người ném lựu đạn vào tốp lính da đen đang diễu binh. Nhân đó, phía Pháp đổ lỗi cho Việt Minh khiêu khích, không giữ được trật tự trị an và dùng quân đội đang diễu binh tấn công vào các vị trí trọng yếu của chính quyền cách mạng, vây bắt cán bộ cao cấp của Chính phủ; đồng thời thành lập một chính quyền tay sai...
Lúc này, điệp viên C3 báo tin tại trụ sở của Quốc dân đảng số 132 phố Duvigneau (nay là Bùi Thị Xuân - Hà Nội), bọn phản động đang in truyền đơn. Đến ngày 11/7/1946, C3 báo tiếp một tin quan trọng là từ ngày 12/7, Quốc dân Đảng sẽ phân tán lực lượng, rút vào bí mật, chuẩn bị tiến hành bạo động tại Hà Nội và một số nơi khác...
Chặn đứng phản động
Trước những tin mật từ điệp viên, lãnh đạo Nha Công an Trung ương quyết định chọn trụ sở 132 Duvigneau là điểm tập kích đầu tiên. Rạng sáng 12/7, lực lượng công an đột nhập vào trụ sở này, khống chế tất cả các đối tượng có mặt, thu được nhiều tang vật gồm vũ khí, truyền đơn phản động kêu gọi lật đổ chính quyền cách mạng, máy in. Từ những chứng cứ này, lệnh tổng trấn áp các trụ sở của bọn phản động được ban hành và giao đại tá Nghĩa làm đội trưởng, có nhiệm vụ vây bắt bọn phản động ở số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội).
Theo ông Hiển, Đại tá Trần Tấn Nghĩa kể lại chi tiết diễn biến vụ đó như sau: “Khoảng 7h ngày 12/7, chúng tôi đến trụ sở số 7 Ôn Như Hầu. Bọn lính gác chỉ cho mình tôi vào sau khi đã giữ lại vũ khí của tôi. Chúng đưa tôi đến sảnh đường và Phan Kích Nam đón tôi ở đây. Hắn to cao, đeo súng ngắn và mang kiếm dài lê thê theo kiểu nhà binh Nhật, mắt đeo kính trông rất hung dữ.
Hắn tự giới thiệu: “Tôi, Phan Kích Nam, đại biểu Quốc hội, Trung ương Ủy viên Quốc dân Đảng, Tư lệnh đệ nhất chiến khu...” rồi hỏi tôi: “Vậy tôi được vinh dự nói chuyện với ai đây?”. Tôi ôn tồn xưng tên, đưa lệnh khám xét và nói rõ mục đích đến gặp Phan Kích Nam.
Nhìn qua lệnh khám xét, Nam cười ngạo nghễ và nói: “Chú em ngây thơ ơi! Chú đội trưởng trinh sát đặc biệt ơi, tại sao các người kí lệnh bắt, khám xét trụ sở của một đảng? Ta là đại biểu Quốc hội, là bất khả xâm phạm mà người kí lệnh bắt ta lại là Phó Chủ sự Việt Minh, là cái thá gì mà có sự lạ đời như vậy... Thôi chú em về đi”. Tôi bực lắm nhưng nhớ chỉ thị của cấp trên, nếu có gì vướng mắc phải thỉnh thị nên nhân cơ hội hắn nói vậy, tôi tỏ ra nghe lời và nói sẽ về báo cáo lại, có gì sẽ quay lại sau. Phan Kích Nam tỏ ra đắc chí: “Có thế chứ, có thế mới đúng cách xử sự của người Nhà nước chứ”, rồi hắn gọi vệ sĩ đưa trả súng cho tôi và tiễn tôi ra về.
Sau khi xin ý kiến lãnh đạo Nha Công an Trung ương, chúng tôi trở lại số 7 Ôn Như Hầu lần thứ hai nhưng vẫn chưa có thời cơ ra tay. Trưa 12/7, sau khi được lãnh đạo Nha Công an Trung ương đồng ý phương án khống chế, bắt Phan Kích Nam, chúng tôi trở lại số 7 Ôn Như Hầu lần 3 và quyết tâm thực hiện bằng được. Lúc này, bọn lính gác trụ sở tỏ ra chủ quan, một tên đưa tôi vào gặp Phan Kích Nam. Tôi chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt lên bàn. Phan Kích Nam rót nước mời tôi, thái độ hắn rất tự mãn. Hắn sung sướng ra mặt và nói “Có thế chứ, phải nể mặt Phan Kích Nam này chứ”. Sau khoảng 10 phút, tôi đứng dậy cáo biệt ra về và vờ quên súng.
Phan Kích Nam liền cầm khẩu súng của tôi và đi theo nhắc: “Này chú em, quên súng à?”. Trúng kế rồi, tôi rút khẩu súng Colt giấu trong người, chĩa thẳng vào Nam và quát: “Đứng im, động đậy tao bắn vỡ sọ” và bằng động tác nhanh gọn ra đòn khiến Nam lảo đảo khụy xuống. Tôi bẻ quặt tay hắn ra sau và ra lệnh cho bọn lính gác còn đang ngỡ ngàng chưa kịp hiểu điều gì xảy ra: “Phải bỏ súng không được chống cự”... Việc bắt được Phan Kích Nam mở đầu cho cuộc tổng trấn áp các tổ chức phản động, đập tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng hồi đó.
Những ngày trung tuần tháng 8/2017, giữa phố Nguyễn Gia Thiều (phố Ôn Như Hầu trước đây), căn nhà số 7, nơi lực lượng công an bắt giữ Phan Kích Nam 71 năm trước, kín cổng. Căn nhà mang kiến trúc Pháp được giữ nguyên bản, gắn bảng chiến tích đập tan âm mưu xảo quyệt của bọn phản động Quốc dân Đảng, bảo vệ được chính quyền cách mạng. Còn tại căn nhà số 132 Bùi Thị Xuân (phố Duvigneau), trụ sở in ấn truyền đơn phản động của Quốc dân Đảng giờ đây được người dân tân trang.
Bà Lại Thị Kim Khánh (78 tuổi, người dân phố Bùi Thị Xuân) cho biết, bà từng nghe các cụ kể về vụ án tại căn nhà này. 71 năm trôi qua, dù ngôi nhà không còn nguyên bản nhưng hàng năm, dịp Quốc khánh 2/9 có nhiều đơn vị đến thăm căn nhà, nơi từng là trụ sở của ổ nhóm phản động của Quốc dân Đảng để ghi nhớ chiến công hiển hách của lực lượng công an thời kì đầu.