Hà Văn Thắm: “Cùng lắm chỉ mất 2 đến 3 nghìn tỷ thôi”

Đại diện NHNN tại phiên tòa.
Đại diện NHNN tại phiên tòa.
TPO - Chiều 1/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục làm rõ hành vi gây thất thoạt hàng nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV OceanBank. HĐXX đặt ra các câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước về việc thanh tra, giám sát với OceanBank.

Không sửa sai? 

Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từng ban hành 3 kết luận thanh tra về OceanBank. Riêng năm 2012, kết luận thanh tra đã nêu rõ các sai phạm của và yêu cầu khắc phục, chỉnh sửa nhưng qua theo dõi thì phát hiện Oceanbank không nghiêm túc trong thực hiện kiến nghị và có biểu hiện thanh toán, chuyển tiền lòng vòng.

Về tình hình tài chính OceanBank thời điểm vụ án xảy ra, đại diện NHNN cho biết ngân hàng này có vốn điều lệ đến 2014 là 4000 tỷ với 400 triệu cổ phần (10.000 đồng/1 cổ phần) được hơn 1100 cổ đông nắm giữ trong đó 16 cổ đông là pháp nhân chiếm hơn 71%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của OceanBank lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Nguyên nhân do thoái lãi thu, sai phạm trong cho vay, chứng khoán, ủy thác… Tổng nợ xấu là hơn 14.900 tỷ đồng. Đến năm 2015, NHNN quyết định mua lại OceanBank với giá 0đ.

Về số nợ xấu này, Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank cho rằng đã thu hồi được 8000 tỷ đồng, sau đó thu hồi được tiếp, nợ xấu của OceanBank chỉ còn khoảng 4000 tỷ đồng.

Ông Thắm phân tích: “Con số 14 nghìn tỷ này không phải bị mất, ví dụ như khoản 500 tỷ đồng cho Cty Trung Dung vay (liên quan bị cáo Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn – PV) là khoản nợ xấu nhất. Tuy nhiên, theo giám định khoản này vẫn thu được ít nhất 134 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Thắm cho rằng, 14.900 tỷ đồng thì ít nhất thu quá nửa, cùng lắm mất 2 đến 3 nghìn tỷ thôi… Bị cáo vẫn tâm sự với điều tra viên là cái bị cáo chi tiền cho khách, xã hội không mất đi, OceanBank mua cao thì bán cao nên cũng không bị mất”.

Bị cáo Thắm nói thêm, lúc OceanBank bị mua 0 đồng mình không được biết vì đã bị bắt giam. “Khi mua 0 đồng thì bị cáo không được biết, 1 năm bị cáo viết đơn ra thì anh điều tra viên cười bảo ngân hàng của anh bị mua 0 đồng còn đâu”.

Hà Văn Thắm: “Cùng lắm chỉ mất 2 đến 3 nghìn tỷ thôi” ảnh 1 Đại diện tập đoàn PVN trả lời HĐXX.
PVN sai khi góp vốn

Tiếp đến, HĐXX hỏi đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về khoản vốn góp 800 tỷ đồng vào OceanBank. Theo đại diện của PVN, tập đoàn này do nhà nước sở hữu 100%, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực liên quan dầu khí.

Trước khi đầu tư vào OceanBank, PVN được Thủ tướng cho phép thành lập ngân hàng mới với vốn góp dưới 50%. Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thủ tướng lại không cho phép việc này, chỉ đồng ý cho PVN góp vốn vào ngân hàng TMCP khác với tỷ lệ không quá 20%.

Đại diện PVN cho biết, từ 2009 tập đoàn bắt đầu góp vốn ở mức 20% vào OceanBank và từ đó tới năm 2013, theo báo cáo tài chính,  OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng tiền hơn 200 tỷ đồng.

Khi được hỏi về việc góp vốn của PVN có đúng luật không, đại diện PVN trả lời 2 lần góp vốn đầu tuân theo Luật tổ chức tín dụng 2007. Cụ thể, luật quy định 1 tổ chức được mua tối đa 20% ở 1 tổ chức tín dụng. Vì thế, khi PVN đề nghị góp vốn, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ tài chính thẩm định trước khi góp vốn.

Chỉ có lần sau cùng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng để đạt tỷ lệ 20% vốn thì sai so với Luật tổ chức tín dụng 2010 (quy định góp tối đa 15% - PV). Tuy vậy, lần góp vốn thứ 3 chỉ là triển khai hệ quả của việc góp lần 2 đã được Thủ tướng đồng ý và do PVN không cập nhật kịp nên vẫn làm.

MỚI - NÓNG