Theo thống kê mới nhất của ngành y tế, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, đái tháo đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) đã công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) lại có 1 người bị đái tháo đường (tiểu đường) tương đương 425 triệu người. Ước tính đến năm 2045 sẽ có gần 700 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Nguy hiểm hơn nữa là tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.
Theo các bác sỹ, bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.