65 năm trọn một tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở tuổi 86, ngọn lửa đam mê vẫn cháy trong huyền thoại điền kinh Bùi Lương và nó sẽ tiếp tục cháy như hành trình của ông với Tiền Phong Marathon, từ những ngày đầu tiên đến tận bây giờ.
65 năm trọn một tình yêu ảnh 1
Cụ Bùi Lương trong một lần về nhất ở Tiền Phong Marathon.

Dưới cơn mưa phùn miền Bắc, sáng sớm tại công viên Thanh Xuân cụ Bùi Lương đã ở đó, trong bộ đồ thể thao, đôi giày đỏ và cái đầu trần. Vây quanh cụ là những người yêu chạy bộ, già trẻ trai gái đủ cả. Họ chăm chú lắng nghe từng chỉ dẫn của cụ, từ khởi động đến lúc chạy sao cho đúng cách, hay thả lỏng vai ra sao, tay vung thế nào.

Khi tất cả bắt đầu chạy, cụ còn dặn với theo, “cẩn thận mưa trơn, chạy bước ngắn thôi các con”, sau đó quay sang tôi cười nói: “Trừ phi giông bão sấm chớp, chứ mưa to hơn thế này tôi vẫn ra”. Với cụ Bùi Lương, tượng đài điền kinh Việt Nam, chạy là đam mê, “đến chết mới hết chạy”. Không chỉ vậy, trong những năm tháng gắn liền với Tiền Phong Marathon cụ còn tâm niệm, chạy là chiến đấu, là không bao giờ từ bỏ.

Ngồi xuống chiếc ghế băng, cụ Bùi Lương kể về hành trình dài 65 năm của cụ với Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong. Những câu chuyện có thể đã cũ, nhưng chứa đựng niềm tự hào của người đã trở thành biểu tượng của giải đấu.

Rất lâu rồi, ở tuổi đôi mươi học tập và lao động ở Hải Phòng, trong bối cảnh phong trào thể dục thể thao của học sinh, sinh viên vô cùng sôi động, cụ Bùi Lương chỉ nghĩ chạy để khỏe người. Ai dè ở giải chạy đường dài (5km), cụ về thứ 3, qua đó được tuyển vào tuyển điền kinh Hải Phòng chuẩn bị Giải Việt dã báo Tiền Phong sắp được tổ chức lần đầu năm 1958 ở công viên Bách Thảo (Hà Nội).

“Nghe nói giải tầm quốc gia, lại có cả ngôi sao Tiệp Khắc từng 3 lần giành HCV Olympic 1952 Emil Zatopek tham dự, ai cũng háo hức, tập luyện ngày đêm”, cụ hồi tưởng lại, “Mà ngày ấy cũng không dễ ăn đâu nhé. Bọn tôi phải chạy qua núi Nùng, sang Hàng Đẫy rồi trở về Bách Thảo và vượt ghế đá. Vừa chạy địa hình vừa vượt chướng ngại vật, chung cuộc tôi về thứ nhì sau anh Hoàng Viết Mông. Phấn khởi quá, tôi cứ chạy tiếp đến tận bây giờ”.

Rồi cụ tiếp: “Xưa trang bị có gì đâu, quần bằng vải diềm bâu, thêm cái áo dệt kim đông xuân. Bọn tôi còn phải lấy bao bột mì, giặt sạch và may thành quần để mặc. Cũng làm gì có giày, tất cả đều chân đất. Ăn thì chủ yếu độn ngô, sắn, có lúc phải ăn hạt bo bo. Thời ấy chúng tôi chạy vì đam mê, như anh em Quảng Bình còn đi bộ từ đó ra Hà Nội thi đấu. Đứng đầu chỉ nhận thưởng là đôi dép nhựa Tiền Phong. Riêng tôi được anh hùng Zatopek quý mến, tặng cho chiếc bình pha lê sứ mà tôi vẫn giữ đến tận bây giờ”.

Kể từ lần đầu tiên ấy, cụ Bùi Lương đã tham dự cả thảy 20 lần với tư cách VĐV chuyên nghiệp, vô địch 9 lần trong số đó, bao gồm 8 năm liên tiếp (từ năm 1967 đến 1974). Tất nhiên để giành chiến thắng không hề dễ dàng. Cụ nói Giải Việt dã báo Tiền Phong quy tụ đầy đủ những VĐV giỏi nhất trên cả nước được tuyển chọn gắt gao. Phải đến lần thứ 4 tham dự (năm 1961 tại Phú Thọ), cụ mới lần đầu nếm trải hương vị chiến thắng. “Lúc ấy tôi thuộc biên chế đội Quân đội. Khoác trên người màu áo lính, tôi xác định chạy vì miền Nam thân yêu, chạy cũng là một cách chiến đấu tương tự các đồng đội đang ở ngoài tiền tuyến. Vì vậy khi là người chạm đích đầu tiên, không thể kìm nén cảm xúc, tôi khóc ngay, xúc động lắm”, cụ Lương kể.

65 năm trọn một tình yêu ảnh 2
Cụ Bùi Lương, huyền thoại điền kinh Việt Nam và Tiền Phong Marathon.

Chính với tinh thần “chạy vì miền Nam, chạy là chiến đấu” ấy, cụ Bùi Lương cùng các VĐV đã chạy dưới làn mưa bom bão đạn theo đúng nghĩa đen. Trong những năm giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, Giải Việt dã báo Tiền Phong vẫn tổ chức thường niên với số lượng VĐV tăng hằng năm. Các VĐV đang thi, gặp còi báo động nếu thấy hố cá nhân thì tụt xuống, máy bay đi lại leo lên tiếp tục chạy.

Nói đến đây, cụ Bùi Lương cũng giải thích lý do tại sao Giải Việt dã báo Tiền Phong lại trở thành giải đấu thể thao lâu đời nhất nước, đồng thời xây dựng uy tín và có sức lôi cuốn như ngày nay. Huyền thoại điền kinh 86 tuổi nói: “Đấy chính là việc giải không chỉ là cuộc thi thể thao, mà còn là nơi rèn luyện lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực cũng như lòng yêu nước. Bản thân tôi cũng trưởng thành hơn từ Giải Việt dã báo Tiền Phong.

Tôi nhớ năm 1966 tổ chức ở Tùng Thiện, Hà Tây (cũ), các VĐV còn mặc quần áo bộ đội, đeo mũ tai bèo và quàng súng, mang đạn để chạy. Điều này mang ý nghĩa mọi tầng lớp nam nữ thanh niên đều sẵn sàng ra tiền tuyến, Tổ quốc gọi là lên đường với khẩu hiệu “rèn chân đồng vai sắt, xây ý chí kiên cường, vượt Trường Sơn đánh Mỹ”. Tôi thì bé nhỏ (cụ chỉ cao 1,62m), súng đập vào hông đau quá, thành ra chỉ về nhì”.

Cho đến năm 1977, Giải Việt dã báo Tiền Phong trở lại Hà Nội, cũng tròn 20 lần tổ chức, cụ về nhì, đồng thời tuyên bố giã từ sự nghiệp. Cụ đi học đại học, sau đó chính thức bước vào nghiệp huấn luyện và lại tiếp tục đồng hành cùng giải đấu. Suốt nhiều năm cụ giới thiệu không ít VĐV tài năng cho giải cũng như cho điền kinh Việt Nam. Thật khó có thể kể hết các học trò của cụ, từ Đặng Thị Tèo, Lê Văn Hùng, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Thị Hòa đến Trần Văn Lợi, Hoàng Nguyên Thanh…

Hiện tại cụ Bùi Lương luôn cố gắng tìm kiếm và vun bồi nhân tài. khi thì tới công viên Thống Nhất, khi đến Thành Công, lúc lại sang Cầu Giấy, lên Hồ Gươm để hỗ trợ các chân chạy phong trào, giúp họ chạy đúng, có chất lượng và với những người sở hữu tố chất có thể phát triển lên chuyên nghiệp. “Tôi hy vọng thế hệ trẻ tiếp tục chạy và đến với Tiền Phong Marathon, vừa vì sức khỏe vừa hun đúc ý chí phấn đấu và lòng yêu nước”, ông già gân, biểu tượng của Tiền Phong Marathon nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG