61 ngư dân bị Indonesia bắt giữ: Ai ngăn cản việc đưa tàu về nước?

Cuộc họp bàn giải pháp đưa 61 ngư dân về nước.
Cuộc họp bàn giải pháp đưa 61 ngư dân về nước.
TP - Gần 4 tháng trôi qua, 4 chiếc tàu đánh cá cùng 61 ngư dân của tỉnh Kiên Giang bị Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ vẫn chưa được trả về. Làm sao đưa ngư dân về nước?

Chưa vui đã buồn

Được sự cho phép của 2 chính phủ Việt Nam và Indonesia về việc hợp tác khai thác thủy sản tại vùng biển Natuna của Indonesia, ngày 30/8/2013, tại Cảng cá Tắc Cậu, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ trao giấy phép đưa 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon đi khai thác hải sản ở vùng biển Indonesia với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các cơ quan hữu quan.

Để được đưa tàu qua đánh bắt ở Indonesia, ông Ngữ và ông Trần Hon phải chấp nhận ký hợp đồng với Cty Đại Dương và đơn vị này tiếp tục ký với Cty Pa Pua ở Indonesia. Một năm, mỗi cặp tàu phải đóng 90 ngàn USD cho Cty Đại Dương. Các tàu hợp tác đánh bắt phải tuân thủ theo những quy định về pháp luật của Indonesia và phải mang quốc tịch nước này.

Tuy nhiên chỉ mới sau 4 tháng thực hiện hợp đồng khai thác, ngày 4/1/2014, trong khi đang đánh bắt trên vùng biển thỏa thuận theo hợp đồng, thì 4 chiếc tàu của ông Hon và ông Ngữ bị Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ cùng 61 thuyền viên.

Hậu quả của việc tàu bị bắt giữ cũng đã gây thiệt hại trầm trọng về kinh tế cho chủ tàu. Kể từ khi ký hợp đồng đánh bắt, ông Hon và ông Ngữ đã chi khoảng 10 tỷ đồng nhưng trong tình trạng: tiền mất, tinh thần hoang mang. Ngoài việc bỏ tiền nhà, hiện ông Hon đã phải đi vay ngoài 2 tỷ và bán 1 cặp tàu 5 tỷ đồng, ông Ngữ phải vay ngân hàng 4,5 tỷ để trang trải công việc nói trên.

Bị bắt giữ vì vi phạm

Trong một bản báo cáo mới đây của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang gửi cơ quan chức năng, cho biết: Việc đưa tàu cá đi hợp tác đánh bắt ở nước ngoài hợp pháp là chủ trương đúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số sai phạm như: Không quản lý chặt chẽ tàu và người; không có báo cáo tình hình khai thác. Đặc biệt, khi chưa được Indonesia cấp phép đánh bắt nhưng phía Cty Đại Dương vẫn cho tàu đi khai thác.

Tại một văn bản của Bộ Ngoại giao Indonesia gửi cho Lãnh sự quán Việt Nam tại thủ đô Jakarta thì 4 tàu cá cùng 61 ngư dân bị Cảnh sát biển bắt giữ là do “vi phạm tọa độ theo luật đánh bắt thủy sản của nước sở tại (Khu đặc quyền kinh tế Indonesia tại vùng biển Natuna); sử dụng bất hợp pháp thiết bị kéo lưới đôi; tiến hành đánh bắt khi chưa được sự cho phép, cấp phép”.

Ông Ngữ và ông Hon (chủ tàu) nhiều lần viết đơn cầu cứu lên Cty Đại Dương, lên UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Thủy sản… mong muốn giải cứu tàu cùng ngư dân. Thậm chí 2 ông chủ tàu do quá sốt ruột đã đi qua Indonesia, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, nhờ luật sư của nước sở tại can thiệp… nhưng sự việc vẫn bế tắc. Trong khi đó người nhà của các thuyền viên hằng ngày gây áp lực lên 2 chủ tàu, đòi đưa người thân của họ về, đòi trả tiền công vì họ là những lao động chính nuôi sống gia đình.

Trong cuộc họp sáng 21/4 giữa Cty Đại Dương, đại diện 2 chủ tàu và các cơ quan chức năng, đại diện lực lượng Biên phòng Kiên Giang cảnh báo: Các tàu đi hợp tác đánh bắt ở Indonesia về danh nghĩa là tàu nước ngoài, vì thế các thủ tục xuất nhập khẩu phải tuân theo quy định về luật biển quốc tế. Biên phòng không làm khó tàu thuyền ngư dân, nhưng đây là quy định bắt buộc.

Cũng tại cuộc họp nói trên phía Cty Đại Dương cũng như các chủ tàu cho biết đã có sự ngăn cản không cho đưa tàu về Việt Nam của một nhóm tổ chức bất hợp pháp tại Indonesia. Họ muốn phá chương trình đánh bắt hợp pháp giữa 2 nước. Nhóm này có cả người Việt Nam, họ chuyên “mua bán ngư trường” và làm cò chuộc tàu khi bị nước ngoài bắt giữ.

Trong khi đó, Sở Ngoại vụ Kiên Giang đã yêu cầu phía Cty Đại Dương phải nộp ngay tiền Quỹ bảo trợ ngư dân (12 triệu mỗi người) để các cơ quan chức năng xúc tiến đưa 61 thuyền viên về nước. Việc đóng tiền phải được thực hiện ngay trong chiều nay hoặc ngày mai. Vấn đề tính pháp lý hợp đồng giữa các bên, đúng sai như thế nào sẽ giải quyết sau.

Từ vụ việc trên, chương trình cấp phép cho các tàu đi hợp tác đánh bắt ở Indonesia đợt 2 đã bị tạm dừng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.