1. Mặt trong của nắp bồn cầu
Bạn thường chỉ xịt nước rửa xung quanh thành bồn cầu hay lau dọn mặt ngoài mà bỏ qua phía trong của nắp bồn cầu. Đó là nơi tích tụ vi khuẩn nhiều không kém các vị trí khác trên bồn cầu. Vì thề, nếu đã dành thời gian để làm sạch toilet, hãy bỏ thêm một phút cho vị trí này.
2. Phía đầu của vòi nước
Nước khi chảy từ đường ống xuống để phục vụ cho các hoạt động hàng ngày (tắm, nấu ăn...) đều đi qua một màng lọc lắp ở bên trong, đầu vòi nước. Không nhiều người có thói quen tháo rời phần đầu vòi nước này ra và vệ sinh thường xuyên. Lâu dần, nước đọng cùng các cặn bẩn két lại, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước sử dụng hàng ngày. Vì thế, mỗi tháng vài lần, bạn nên tháo phần màng lọc này ra, ngâm trong dấm 15 phút rồi cọ sạch bằng bàn chải đánh răng.
3. Miếng bọt biển (khăn) lau bếp, rửa bát
Theo một nghiên cứu của trường đại học Arizona (Mỹ), một miếng bọt biển có thể chứa tới 7 tỷ vi khuẩn trên đó. Vì thế, nếu không thường xuyên được giặt sạch, đây có thể nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Sau khi sử dụng, bạn hãy nhúng miếng bọt biển vào nước có xà bông, bóp mạnh để sạch bọt và giặt kỹ dưới vòi nước. Tiếp theo, đặt nó trong lò vi sóng khoảng 3 phút với nhiệt độ cao để khử trùng. Bạn nên thực hiện tương tự với các loại khăn lau bếp khác.
4. Đèn chùm
Hãy làm sạch các chùm đèn trước mỗi đợt chuyển mùa và lau bóng đèn bằng một miếng vải ẩm để bụi bẩn, vi khuẩn nấm mốc không bám được trên đó. Các gia đình thường chỉ lau đèn chùm 1-2 lần mỗi năm và nó bị bẩn nhiều hơn 20% so với các thiết bị khác.
5. Tay nắm cửa tủ lạnh
Bạn có thường cầm vào tay nắm cửa tủ lạnh khi đi ngoài đường về, khi vừa cầm thịt sống, khi vừa chế biến thức ẳn... mà chưa rửa sạch tay? Thói quen này của nhiều người chính là đã tích tụ vi khuẩn, bụi bẩn trên tay nắm cửa tủ lạnh. Vì vậy, hãy nhớ lau sạch nó mỗi ngày khi bạn vệ sinh nhà cửa.
Hà Nhi