49 triệu USD để bảo tồn hổ: Bài toán khó

Một con hổ một tuổi ở Sóc Sơn trong khi hổ mẹ sáu tuổi đang mang thai bốn con nữa
Một con hổ một tuổi ở Sóc Sơn trong khi hổ mẹ sáu tuổi đang mang thai bốn con nữa
TP - Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, đang gấp rút xây dựng dự án nhân đôi đàn hổ hoang dã ở Việt Nam trong 10 năm nữa với tổng kinh phí trên 49 triệu USD. Một số nhà khoa học hoài nghi về tính khả thi của dự án nếu chỉ dựa vào nhân nuôi ở hoang dã.

> Trang trại nuôi hổ: Để hay dẹp?

Một con hổ một tuổi ở Sóc Sơn trong khi hổ mẹ sáu tuổi đang mang thai bốn con nữa
Một con hổ một tuổi ở Sóc Sơn trong khi hổ mẹ sáu tuổi đang mang thai bốn con nữa.
 

Giữ được đã là mơ

Băn khoăn đầu tiên là làm thế nào để cho số hổ còn lại không bị suy giảm. Ước tính số hổ còn lại ở rừng Việt Nam rất khác nhau. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên VN, con số ấy giao động từ 30-60 con. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) còn bi quan hơn.

“VN hiện chỉ còn dưới 30 cá thể hổ hoang dã, phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở khu vực biên giới các tỉnh miền Trung”, ông Trần Việt Hưng, ENV, nói. Theo tính toán, chi phí cho việc nuôi một cá thể hổ đến tuổi trưởng thành tốn gấp 250 lần so với bắt một con trong hoang dã. Vì thế, hổ trong hoang dã vẫn tiếp tục bị săn bắn và bổ sung cho nguồn nuôi hổ hợp pháp.

Theo PGS.TS Phạm Bình Quyền, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE), những nơi dự kiến thiết lập khu ưu tiên bảo tồn hổ sắp tới đều có vấn đề đáng quan ngại về suy giảm hoạt động bảo tồn. “Hầu như tất cả các nơi ấy bị lấn át nặng nề bởi các hoạt động kinh tế và du lịch”, TS Quyền nói.

Giữ được số ít ỏi ấy đã khó. Để nhân đàn được, tức là để cho những con thú lạc đàn ấy sáp lại gần nhau, sinh sản còn khó hơn. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, VACNE, đầu tiên, để một con hổ tồn tại trong hoang dã, phải đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho mỗi con không dưới 50 con thú mỗi năm.

Để duy trì được nhu cầu tối thiếu ấy, trung bình mỗi con hổ cần không dưới 400 ha sinh cảnh rừng đặc dụng, nơi có nhiều loại thú khác nhau cùng tồn tại.

Xong khâu đó rồi mới đến khâu đẻ. PGS.TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật, cho hay hổ to xác nhưng tỷ lệ sinh sản so với các loài thú khác trong tự nhiên thấp. Đã thế, để có thể sinh sản hiệu quả, phải biết được tỷ lệ con cái trong tổng số những con hổ còn sống sót hiện nay. Nếu biết hổ thường sống đơn độc, nếu không có biện pháp chuyên môn thì có mà kiểm đếm được.

Nhóm chuyên gia gồm GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (giữa), PGS.TS. Phạm Văn Lực (trái) và ông Ngô Bá Oanh đang bàn cách đề xuất nhân nuôi đàn hổ
Nhóm chuyên gia gồm GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (giữa), PGS.TS. Phạm Văn Lực (trái) và ông Ngô Bá Oanh đang bàn cách đề xuất nhân nuôi đàn hổ .
 

Mô hình Sóc Sơn

Nhiều ý kiến cho rằng nên nghiên cứu hướng nhân nuôi hổ trong trang trại rồi thả về rừng song song với việc phục hồi trong rừng sâu núi thẳm. Một trong những người cổ súy cho phương án này là GSTSKH Đặng Huy Huỳnh.

Ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn của Hà Nội, dẫn chúng tôi đến một khu chuồng nằm ở cuối khuôn viên trung tâm cứu hộ. Ba con hổ lừng lững, mỗi con hơn tạ, ức nở, bàn chân to như bát ăn cơm. Chuồng cạnh đó là một con hơn gấp đôi. Giám đốc Oanh bảo nó nặng trên 250 cân, một hổ đực. Chuồng bên cạnh nữa là một hổ bụng phình tướng.

Hóa ra, chúng có quan hệ huyết thống với nhau. Đàn hổ ba con 100 kg/con mới tròn một tuổi. Hai con to bên cạnh là hổ mẹ và hổ cha, một mới sáu tuổi và một bảy tuổi. Chúng mới sống được 1/6 quãng đời tự nhiên của mình. Hiện giờ, hổ mẹ mang thai lần hai.

Tháng 8-2011, nó sinh một lúc bốn con nữa. Như vậy, từ chỗ chỉ có hai con hổ một tuổi và chưa đầy một tuổi cách đây sáu năm đưa về từ một vụ tịch thu hổ ở một tỉnh phía nam, đến nay, gia đình hổ đã có 12 thành viên.

Ông Oanh cho hay, hổ cái chỉ cần bốn tuổi là đã biết đẻ. Số thành viên này, ông Oanh cam đoan, nếu có ý định nhân nuôi thì, sau 10 năm, nhất định sẽ nâng đàn lên con số mà các nhà bảo tổn mơ ước cho đàn hổ trong tự nhiên ở Việt Nam.

Chỉ riêng khâu ăn, trừ bốn con mới sinh hơn một tháng, mỗi con mỗi ngày xơi lượng thức ăn trị giá 780.000 đồng gồm thịt bò, tim gan lợn, xương. Với hổ mẹ đang trong thời kỳ nuôi con ba tháng đầu tiên, mỗi ngày, khẩu phần ăn cho nó phải nhiều hơn, 1.100.000 đồng.

Nếu tính cả chi phí nhân công, nhà xưởng, thú y, và các chi phí khác, trung bình một con hổ nuôi tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn ngốn 1 triệu đồng/ngày. Để nuôi một con trong 10 năm của chương trình quốc gia bảo tồn hổ, số tiền chi cho một con vị chi 3,65 tỷ đồng. Nếu đồng thời nuôi 100 con, hết 365 tỷ đồng, tương đương 18,25 triệu USD.

Trên thực tế, số tiền ấy ít hơn nhiều bởi, theo ông Oanh, nuôi được vài tháng là có thể thả hổ vào môi trường bán hoang dã từ 6-12 tháng. Sau đó, có thể thả hổ về rừng được luôn chứ không phải nuôi 10 năm như tính toán lý thuyết ở trên.

Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Sóc Sơn đã làm dự án xây dựng khu cứu hộ bán hoang dã rộng 13 ha, đã được thành phố phê duyệt. Nhưng không hiểu sao, từ năm ngoái đến nay, dự án vẫn chưa được thông qua ở Sở NN&PTNT Hà Nội. Ông Oanh cho hay, đàm phán với các bên để có khu đất sạch về cơ bản đã hoàn tất.

Triển khai bảo tồn và nhân đàn hổ trong tự nhiên, vì thế, vẫn là bài toán khó. Nhưng không làm gì, tiềm năng tài trợ quốc tế sẽ suy giảm nhanh chóng.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh một lần nữa đề nghị, để khỏi bỏ lỡ cơ hội viện trợ quốc tế, song song với kế hoạch nhân nuôi trong tự nhiên cần rất nhiều nhân lực và vật lực, nên khẩn trương duy trì và phát triển mô hình ở Sóc Sơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (Bộ NN&PTNT), vấn đề cốt lõi của chương trình quốc gia bảo tồn hổ chính là tìm cách làm sao cho hổ sinh sản được. “Bảo tồn mà không để cho chúng gặp nhau được thì coi như bằng không”, ông Thắng khẳng định.

Ông còn hoài nghi khả năng cho hổ tự nhiên gặp nhau một cách tự nhiên khi các hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam đang bị chia năm xẻ bảy, ít nơi nào chứng tỏ có thể tạo được hành lang rừng đặc dụng liên thông liên tục và an toàn để hổ có thể di chuyển trong vài năm tới.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.