42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Những người giữ đất biên cương

Ba cựu chiến binh Bảo Lâm kể chuyện giữ đất biên cương. Ảnh: Duy Chiến
Ba cựu chiến binh Bảo Lâm kể chuyện giữ đất biên cương. Ảnh: Duy Chiến
TP - Xuân sang với chan chứa ánh nắng rực rỡ nơi biên ải xứ Lạng. Người dân nơi đây chân chất, hiền hòa, nhưng khi Tổ quốc bị xâm lăng, họ dũng mãnh cầm súng bảo vệ quê hương, thủa hòa bình thì xây dựng cuộc sống mới an bình, no ấm.

Kỳ 1:  Bình yên nơi chốn cũ

Bảo Lâm là một xã biên giới của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nơi có con đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung đi qua. Điểm nối ray giữa đoàn tàu hai nước nằm trên địa bàn xã. Cuộc sống hiền hòa, êm đềm trôi qua theo năm tháng.

Trong không khí thanh bình, ngó thấy những bông hoa gạo ở khu vực Ba Cống, nơi trung tâm xã Bảo Lâm, ba cựu chiến binh người địa phương cùng tôi tản bộ du xuân bỗng bồi hồi nhớ lại, câu chuyện binh lửa 42 năm trở về trước.

Bảo vệ biên cương

Các cựu chiến binh đều là người dân tộc Nùng, gồm: Âu Viết Chân (SN 1957, trú tại thôn Nà Pàn), Mông Văn Ngải (SN 1956, trú tại bản Nà Ân), Lăng Văn Mủ (SN 1958, thôn Cốc Toòng, xã Bảo Lâm). Tuy vẻ mặt chân chất, thật thà nhưng khi nhắc lại chiến sự biên giới thì bỗng tinh anh, hào sảng.  

Ông Âu Viết Chân kể lại: Kể từ tháng 7 năm 1978, ta phát hiện được ý đồ của phía bên kia biên giới tập kết một số lượng lớn xi măng, đá, cát vào lãnh thổ Việt Nam tại khu vực mốc 19-20 (xã Bảo Lâm) để chuẩn bị xây kè nhằm thay đổi nguyên trạng biên giới, tạo điều kiện tranh chấp với ta ở đoạn đường sắt Ba Cống. Thêm nữa, phía Trung Quốc còn định xây thêm một nhà mái bằng để lấn chiếm đất.

Trước hành động ngang ngược này, “Ban chỉ đạo giữ đất” huyện Cao Lộc - Văn Lãng cùng nhân dân bí mật đến hiện trường, nhanh chóng giải tỏa vật liệu xây dựng trái phép. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, khoảng 300 m3 cát vàng, hàng chục tấn xi măng mà phía bên kia tập kết bị ta lăn xuống bờ suối Ba Cống. 

“Khi chúng tôi tiến đến khu vực xây nhà mái bằng thì ở trên cao, phía bên kia ném đá xối xả vào đoàn công tác. Tôi bỗng thấy choáng váng, máu chảy đầm đìa ra mặt. Thấy vậy, chị em phụ nữ và chiến sỹ Biên phòng vội đỡ tôi dậy, nhanh chóng chuyển về phía sau cấp cứu. Cú ném của họ khá hiểm, trúng đỉnh sọ, khiến tôi phải khâu 7 mũi. Sau này giám định thương tật 21%, tôi được hưởng chế độ thương bệnh binh loại 4/4”, ông Chân kể.

Chỉ vào khu vực Ba Cống, cựu chiến binh Nông Văn Ngải góp thêm chuyện: “Với chiêu bài “Dạy cho Việt Nam một bài học”, rạng sáng 17/2/1979 lính Trung Quốc tràn qua biên giới. Khi đó, tôi là dân quân xã nghe thấy tiếng kẻng báo động liền lấy khẩu súng CKC để ngay đầu giường, lập tức đến vị trí tập kết.

Tiểu đội dân quân xã trên chục người đã có mặt đông đủ tại chốt tiền tiêu điểm cao 811, gần cột mốc 24. Trước mặt thấy lố nhố lính đội mũ vải đeo huy hiệu “Bát nhất” dàn hàng ngang tiến đến.

Cuộc chiến giữ đất của ta diễn ra rất kiên cường. Hai bên đều có thương vong. Khoảng 8 giờ sáng, đối phương lọt vào ổ phục kích của chúng tôi. Ngày thứ 2, phía ta bị thương 2 người trong đó có đồng chí Hứa Văn Kình, tiểu đội trưởng dân quân Nà Ân. Sau đó, tôi bị thương vào đầu và ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình ở một nơi xa lạ. Thì ra, tôi bị bắt làm tù binh. Quân Trung Quốc đưa tôi về nhà tù ở Liễu Châu, họ ra sức dụ dỗ, lôi kéo nhưng tôi nhất quyết không khai về tuyến phòng thủ của địa phương. Khoảng tháng 5 năm 1979, tôi được trao trả về nước qua cửa khẩu Hữu Nghị”, ông Ngải thuật lại.

Cựu chiến binh Lăng Văn Mủ, sinh sống ở thôn Cốc Toòng, xã Bảo Lâm xung phong vào dân quân thường trực chiến đấu khi mới tròn tuổi đôi mươi. Chiến sự xảy ra, ông Mủ sát cánh chiến đấu với ông Ngải ở điểm cao 811.

Ông Mủ kể: “Trận chiến gay go, ác liệt với quân Trung Quốc diễn ra không cân sức vì phía ta chỉ có súng CKC, AK báng gập, K44, súng cối, còn phía Trung Quốc đông người lại được trang bị pháo, xe tăng yểm trợ. Sau gần một tuần anh dũng chiến đấu, tiểu đội dân quân hy sinh và bị thương gần hết. Lúc này, tôi bị viên đạn găm vào tay chảy máu rất nhiều. Khi tôi cúi xuống hào thì một viên đạn pháo nổ gần làm tổn thương vùng thái dương. May mắn, tôi được bộ đội địa phương hỗ trợ, đưa ra khỏi vòng vây, rút về khu vực chợ Kỳ Lừa ở thị xã Lạng Sơn vào ngày 22/2/1979”.

Ông Mủ cho tôi xem thẻ thương binh với tỷ lệ thương tật 21%, ông được công nhận thương binh hạng 4/4.

Xây dựng quê hương

Khi biên giới bình yên, các cựu binh và nhân dân Bảo Lâm trở về nhà, bắt tay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Hồi phục vết thương, các ông Mông Văn Ngải, Lăng Văn Mủ, Âu Viết Chân lại tham gia công tác bảo vệ trật tự an toàn địa phương. Mặc dù trên thân thể vẫn đau nhức vì vết thương cũ tái phát, song với bản chất kiên trung, mỗi người đều có ý chí vươn lên, tìm hướng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Các mô hình VACR được triển khai, nhất là khi được ngành chức năng hướng dẫn phát triển cây hồng không hạt đặc sản của Bảo Lâm thì cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây đã trở nên khá giả.

“Phát huy truyền thống, 2 con trai tôi được bổ sung vào lực lượng dân quân xã sau đó vào bộ đội bảo vệ biên giới”, ông Chân xúc động nói.

Còn ông Ngải vui mừng cho biết, ông được công nhận là thương binh hạng 3/4, được hưởng chế độ của nhà nước. Nhà có 3 sào ruộng và mảnh vườn trồng cây ăn trái, thu nhập hàng năm cũng gần trăm triệu, cuộc sống ổn định.

Ông Nông Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm cho biết, địa phương có 750 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng có tiềm năng, thế mạnh về phát triển đồi rừng. Nhất là cây ăn trái đặc sản hồng không hạt Bảo Lâm nức tiếng gần xa. Năm 2020, toàn xã trồng mới trên 1000 cây hồng đặc sản.

42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Những người giữ đất biên cương ảnh 1 Đặc sản hồng không hạt Bảo Lâm hút khách, đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Duy Chiến

“Năm qua, xã Bảo Lâm đã phát triển trên 87.000 cây bạch đàn, cây hồi, cây thông đem lại giá trị kinh tế cao. Bảo Lâm là xã vành đai biên giới của huyện Cao Lộc, có đường tiểu ngạch và cặp chợ Pồ Nhùng (Lạng Sơn) - Dầu Ái (Trung Quốc) ở hai bên cửa khẩu nên vào lúc nông nhàn, thanh niên trong xã còn làm thêm nghề bốc vác thuê, đem lại thu nhập đáng kể. Năm 2020, nhờ phát triển kinh tế, toàn xã đã giảm 47 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Tuyên nói.

Tôi thấy nụ cười rất tươi trên gương mặt của các cựu chiến binh ở Bảo Lâm. Niềm vui đổi mới, no ấm đang hiện hữu trên cành mận, cành đào đang nở rộ đầu xuân nơi vùng biên viễn của Tổ quốc.

“Thấy giá trị kinh tế cao, đến nay, nhiều xã trong huyện Cao Lộc đã mở rộng diện tích trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm với tổng diện tích hơn 400 ha, năng suất bình quân đạt từ 30 đến 35 tạ/ha. Cây hồng không hạt đã giúp cho nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu”. 

Ông Lê Trí Thức, Bí thư Huyện ủy Cao Lộc

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.